Home > Tin tức > Cuộc Chiến Vẫn Chưa Kết Thúc Đối Với Người Dân Khe Sanh

Khe Sanh, Quảng Trị (13-11-2013)

Vào tháng bảy năm 1968, trận đánh tại Khe Sanh ở phía tây tỉnh Quảng Trị đi đến kết thúc khi giao tranh ngừng lại, tiếng súng rơi vào im lặng, và may mắn là số thương vong lớn của người Mỹ và người Việt hai phía đã dừng lại.

[clear]

10987286384_7a845e00ea_z

Hồ Văn Y đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Quảng Trị, 28 ngày sau vụ tai nạn bom mìn làm cụt chân phải của em trong khi làm rẫy cà phê ngày 2-10-2012.

 

Nhưng 45 năm sau, đối với  Hồ Văn Y 18 tuổi, trận đánh Khe Sanh chưa kết thúc. Một vụ nổ trên rẫy cà phê của gia đình anh gần sân bay Tà Cơn trong năm 2012 làm cụt chân phải của Y và khiến anh trở thành một nạn nhân mới của chiến tranh. Tại bản làng thiểu số Vân Kiều ở xã Hướng Tân, Y luôn giúp đỡ cha mẹ anh trồng cà phê. Giờ đây anh xem mình là một gánh nặng cho họ bởi vì tàn tật.

Tuần này chương trình phục hồi chức năng lưu động Dự án RENEW, trong một chuyến thực địa đến Khe Sanh, đã thăm gia đình Y và khám mỏm cụt cho anh. Đội phục hồi chức năng quyết định ưu tiên trường hợp Hồ Văn Y nhận chân giả chất lượng cao để cho phép anh đi lại một cách dễ dàng, thuận tiện và tự tin hơn.

Tại Quảng Trị việc một người có thể bị thương tới hai lần do tai nạn bom mìn không là chuyện lạ. Ông Nguyễn Bạch, năm nay 69 tuổi, là một trường hợp như thế. Quê gốc ở huyện Triệu Phong, ông chuyển lên Khe Sanh năm 1977, và hai năm sau trong lúc khai hoang đất sản xuất, ông cuốc trúng một quả bom bi. Tai nạn làm ông bị thương nặng ở vùng bụng. Tai nạn thứ hai, vào năm 1985, làm cụt một chân và khiến ông tàn tật suốt cuộc đời. Là lao động chính, ông không thể dừng lại và phải tiếp tục lao động. Để tiếp tục nuôi sống gia đình mình, ông tự chế cho mình một chân giả bằng nhôm phế liệu.

“Tôi thích cái chân mới này,” ông Bạch nói, “vì nó cho phép tôi làm bất cứ việc gì như người bình thường.” Vừa nói ông vừa bước đi nhiều lần trên sân trạm y tế xã Tân Hợp nơi ông vừa được gắn chân giả.

Hôm nay ông Bạch không cần đến cái chân tự chế đó nữa. Một chiếc chân giả mới, chất lượng cao của chương trình phục hồi chức năng lưu động RENEW được gắn vừa vặn vào mỏm cụt của ông, cho ông khả năng đi lại thoải mái, tự tin.

Ông Bạch và 14 người khác trở lại trạm y tế để nhận chân giả từ chương trình phục hồi chức năng lưu động RENEW sau khi được khám và đúc khuôn cách đây đúng một tháng. Hầu hết họ bị mất chân do tai nạn bom mìn xảy ra sau năm 1975. Vào thời điểm đó, gia đình họ chuyển lên vùng Khe Sanh trong chương trình phát triển kinh tế mới do chính quyền phát động. Tuy nhiên, do trước đây là căn cứ tác chiến của thủy quân lục chiến Mỹ, Khe Sanh và các vùng phụ cận bị tác động nặng nề bởi bom mìn sau chiến tranh.

Ban đầu được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2007-2008, và Bộ Ngoại giao Na Uy từ 2009 đến 2012, chương trình phục hồi chức năng lưu động đã cung cấp chân, tay giả cho hơn 700 nạn nhân bom mìn ở các vùng sâu, khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Nhân viên kỹ thuật đến tận các vùng sâu với xe ô tô được trang bị dụng cụ và máy móc để thăm khám, điều chỉnh và bảo đảm cho các nạn nhân có thể sử dụng tốt các thiết bị phục hồi chức năng của mình.

Khoản tài trợ mới của Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm 2013 thông qua đối tác hàng đầu của RENEW, Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy, đang giúp chương trình mở rộng dịch vụ đến nhiều bệnh nhân mới hơn trong các vùng còn lại của tỉnh. Ngân sách này cũng hỗ trợ các đợt kiểm tra và điều chỉnh tiếp theo quan trọng cho các đối tượng đã nhận chân tay giả trước đây khi mỏm cụt và đặc điểm cơ thể thay đổi.

Bên cạnh nguồn tài trợ chủ yếu từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Na Uy, nhiều cựu chiến binh Mỹ và cá nhân khác tiếp tục hỗ trợ chương trình phục hồi chức năng bằng các khoản đóng góp nhỏ. Chẳng hạn, 280USD sẽ cung cấp một chân giả chất lượng cao cho một nạn nhân bom mìn. Mọi người quan tâm có thể đóng góp ở đây. Nhân viên RENEW sẽ thông báo cho nhà tài trợ biết việc sử dụng tiền quyên góp của họ và các đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ như thế nào.

Loading