Home > Tin tức > Khi nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, người khuyết tật đủ tự tin để lo liệu cuộc sống

Chị Hồ Thị Huế, Phó chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Trị, chủ trì hội thảo truyền thông và giải đáp các câu hỏi của người khuyết tật tại xã Cam Thủy.

“Chỉ vì định kiến hẹp hòi của bố mẹ cho rằng con gái bị khuyết tật thì không nên lập gia đình, tôi phải mất hơn 8 năm mới lấy được chồng kể từ ngày yêu anh ấy,” chị Nguyễn Thị Khiếm, một phụ nữ khiếm thị ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy tâm sự.

Bà mẹ của hai con này chia sẻ khi đang tham gia buổi truyền thông hỗ trợ người khuyết tật do Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 30 tháng 6 thông qua Chương trình “Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của người khuyết tật thông qua hỗ trợ năng lực mạng lưới và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người khuyết tật” của Dự án RENEW do Cơ quan viện trợ Ireland tài trợ.

Chị Khiếm là một trong hơn 20 người khuyết tật đại diện cho các Câu lạc bộ Người khuyết tật ở 11 thôn của xã Cam Thủy tham giai buổi truyền thông về Quyền của Người khuyết tật, Luật Người khuyết tật và các chính sách của nhà nước về người khuyết tật lần đầu tiên được tổ chức tại nơi họ sinh sống. Buổi truyền thông còn có sự tham gia của đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ và Cán bộ Lao động TBXH của xã kịp thời giải đáp các câu hỏi của người khuyết tật liên quan đến chế độ và chính sách của nhà nước dành cho họ.

Tính đến nay, RENEW và Hội NKT đã tổ chức truyền thông về Quyền của Người khuyết tật, Luật Người khuyết tật và các chính sách của nhà nước về người khuyết tật tại 21 xã của 7 huyện/thị xã (mỗi huyện/thị xã có 3 xã được lựa chọn). Trong tháng 7 này hai huyện còn lại gồm Vĩnh Linh và Gio Linh sẽ được đưa vào trong kế hoạch thực hiện.

Theo chị Hồ Thị Huế, Phó chủ tịch Hội Người Khuyết Tật tỉnh, người phụ trách buổi truyền thông tại xã Cam Thủy, nhận thức của hầu hết người khuyết tật về quyền lợi và nghĩa vụ rất mơ hồ, khiến cho họ gặp nhiều khó khăn để vươn lên trong cuộc sống vốn có nhiều rào rản từ xã hội và chính gia đình họ.

“Nhờ sự hỗ trợ của Dự án RENEW và Cơ quan Viện trợ Ireland, lần đầu tiên người khuyết tật ở cơ sở được thông tin về Luật Người Khuyết tật và nắm bắt được các quyền và nghĩa vụ của họ,” chị Huế cho biết thêm. “Điều quan trọng là cần phổ biến rộng rãi và thường xuyên để người khuyết tật hiểu rõ và thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ một cách bình đẳng.”

Bị mất một chân do tai nạn lao động khi làm công nhân nhà máy xi măng, chị Huế đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời mình. Hiện nay chị là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ mộc gia dụng thành công với 7 công nhân. Công ty của chị Huế đã tổ chức nhiều khóa tập huấn dạy nghề mộc cho thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tìm việc làm.

Chị Nguyễn Thị Khiếm cho biết cách đây 4 năm chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để chăn nuôi bò đẻ. Đến nay chị đã trả gần hết nợ và mỗi năm thu nhập từ 10-15 triệu đồng việc bán bê con.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban vận động thành lập Hội Người Khuyết tật huyện Cam Lộ cho biết xã Cam Thủy có 225 người khuyết tật. Đa số do nguyên nhân bẩm sinh, còn lại do tai nạn bom mìn, ảnh hưởng của chất độc da cam và tai nạn lao động. “Người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống do định kiến từ gia đình và xã hội. Nếu nhận thức đầy đủ về quyền của mình, tôi tin rằng người khuyết tật sẽ đủ tự tin để vươn lên tự làm chủ cuộc sống của mình như chị Huệ, chị Khiếm,” ông Nam nói.

Tại buổi truyền thông hầu hết người khuyết tật đều bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức để tạo thu nhập thông qua buôn bán nhỏ, chăn nuôi gà, bò và cá và đồ thủ công như chổi đót, hàng mã.

Loading