Triệu Phong, Quảng Trị (03-12-2012)
Hình ảnh một quả đạn pháo 155mm của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại một đại lý phế liệu ở tỉnh Quảng Trị là minh chứng rõ ràng về sự thật là một số người dân còn tham gia tìm phế liệu chiến tranh để kiếm sống.
[clear]
Quả đạn pháo này nhìn vẫn còn rất mới mặc dù thông tin trên vỏ cho biết nó được sản xuất vào tháng 1/1969.
Một nghiên cứu do Dự án RENEW thực hiện vào năm 2010 cho biết: 33% tổng số tai nạn bom mìn có liên quan đến tìm kiếm phế liệu chiến tranh . (Bấm vào đây để đọc các thống kê và thông tin về kiến thức, thái độ, hành vi và niềm tin của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, cũng như số lượng nạn nhân tai nạn bom mìn ở tỉnh Quảng Trị từ năm 1975 đến năm 2010).
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2012, Quảng Trị có ba vụ tai nạn làm hai người bị thương và một người chết. Vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 2/10 ở huyện Hướng Hóa, gần sân bay Tà Cơn, làm cụt chân một thanh niên 17 tuổi khi đang đào hố trồng cà phê. Vụ thứ hai ngày 29/10 tại huyện Triệu Phong khiến một người đàn ông 67 tuổi bị thương nặng khi đang cố gắng tháo gỡ vật liệu nổ tại nhà để bán phế liệu. Vụ nổ bom mìn ngày 7/11 làm chết một người đàn ông 60 tuổi tại chỗ trong khi ông đang tìm kiếm phế liệu ở một khu đất rừng thành phố Đông Hà.
Trong khi chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, và các nhà tài trợ chưa tìm ra được một giải pháp khả thi nào để chấm dứt hoạt động nguy hiểm này, Dự án RENEW đã tập huấn các đại lý phế liệu-những người thu mua, tái chế phế liệu, trong đó có cả phế liệu chiến tranh và vật liệu nổ. Khi các đại lý phế liệu nhận biết được một số đặc điểm của các loại vật liệu nổ được những người rà tìm phế liệu đưa tới và biết chính xác mức độ nguy hiểm của từng loại vật liệu nổ, hy vọng đây là một cách để giúp họ phòng tránh một số loại bom mìn và xử lý các loại vật liệu nổ khác một cách đúng đắn.
Hệ thống này bảo đảm an toàn hơn và kiểm soát tốt hơn tình huống nguy hiểm.
Đầu tiên, các đội của RENEW đến từng đại lý phế liệu để cung cấp những thông tin cơ bản về mối nguy hiểm từ các vật liệu nổ được tìm thấy ở đó. Những thành viên trong gia đình của người kinh doanh đại lý phế liệu, kể cả các em nhỏ, cũng được tham gia vào hoạt động tập huấn này. Những người rà tìm phế liệu chiến tranh đến đại lý để bán phế liệu cũng được phát tờ rơi giáo dục nguy cơ bom mìn và được cung cấp số điện thoại nóng miễn phí của Dự án RENEW để báo cáo khi phát hiện vật liệu nổ.
“Buổi tập huấn như thế này rất hữu ích với tôi,” anh Nguyễn Văn Quang, một người kinh doanh thu mua phế liệu từ năm 2001 ở thị trấn Ái Tử cho biết. “Nhờ nó mà tôi biết được cách phân loại các vật liệu nổ ra khỏi các phế liệu khác khi giao dịch với những người thu mua phế liệu”, anh nói. Bãi phế liệu của anh xử lý hơn 200 kilogram phế liệu mỗi ngày, vì vậy số lượng vật liệu nổ vô tình lẫn trong những đống phế liệu do những người thu mua phế liệu mang tới là khá lớn. “Khi chúng tôi phát hiện vật liệu nổ,” ông Phan Giỏ, một người làm công cho anh Quang từ năm 2008 cho biết, “chúng tôi sẽ đặt nó vào TBM”, TBM là từ dùng để chỉ “Thùng chứa vật liệu nổ tạm thời” hay còn gọi là “Thùng Bom Mìn”.
Thùng bom mìn làm bằng bê tông cốt thép, được chôn một phần, với nắp đậy có khóa, được các địa lý phế liệu dùng để cách ly các vât liệu nổ khỏi trẻ em và hàng xóm. Mỗi tuần, các đội EOD của Dự án RENEW đến để thu gom và hủy nổ an toàn những vật liệu nổ này. Tổng cộng 1.226 quả đạn cối, đạn pháo, bom và các loại khác đã được di chuyển an toàn khỏi các đại lý phế liệu và được hủy nổ bởi các đội của RENEW thông qua hệ thống này.
Các cơ quan chính quyền và các tổ chức phi chính phủ tiếp tục xem xét những cách thức để ngăn cản và loại bỏ hoạt động rà tìm/thu mua phế liệu. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Dự án RENEW và người dân địa phương cũng đã nói rất nhiều lần, chừng nào người dân còn nghèo và họ nhìn thấy cơ hội để kiếm thêm thu nhập thì khó có thể thuyết phục họ từ bỏ hoạt động nguy hiểm này dù họ biết có nguy hiểm.