Home > Tin tức > “Sáng kiến Hố đựng An toàn” đem lại an toàn cho người dân

11-11-2008

Nằm gần khu vực phi quân sự, tỉnh Quảng Trị là khu vực bị đánh bom nặng nề nhất trong chiến tranh. Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù chính quyền địa phương, quân đội và các tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo đã có nhiều nỗ lực rà phá, cho đến nay bom mìn và vật liệu chưa nổ vẫn còn rất nhiều và nằm rải rác trên toàn tỉnh.

[clear]

Trong bối cảnh nhu cầu sắt thép đang ngày càng tăng, nghề kinh doanh sắt phế liệu rõ ràng đang mang lại lợi nhuận cao cho nhiều cơ sở thu mua phế liệu. Bởi vì sắt, thép có nguồn gốc từ phế liệu chiến tranh thường được mua với giá cao, nhiều người dân địa phương bất chấp nguy hiểm đi rà tìm những phế liệu sót lại của chiến tranh để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Lẫn lộn trong đống phế liệu do người dân địa phương đem bán cho các cơ sở thu mua sắt phế liệu, ngoài xe máy cũ, máy móc thiết bị nông nghiệp rét rỉ, ống nước hỏng, dây thép và các đồ gia dụng bỏ đi, là những vật liệu chưa nổ nhỏ nhưng cực kỳ nhạy nổ. Các chủ cơ sở phế liệu không có lựa chọn nào khác là phải loại các vật liệu chưa nổ và để rải rác hoặc trong vườn hoặc chỉ gom lại ngay trên bãi chứa phế liệu của mình do họ không có nơi an toàn nào để cất giữ những vật liệu chưa nổ. Do vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn bom mìn đối với trẻ em và láng giềng là khó có thể tránh khỏi.

SHA provided to scrap dealer

Một Hố đựng an toàn cho cơ sở thu mua phế liệu

Trong quá trình thực hiện chương trình rà phá bom mìn nhân đạo của mình, trên cơ sở nhu cầu bức thiết của người dân, Dự án RENEW đã cùng với các cơ quan chức năng và UBND các địa phương, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Nhân đạo Golden West đã triển khai “sáng kiến hố đựng an toàn” nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân và chính bản than các gia đình buôn bán phế liệu.

Triển khai từ đầu năm 2008, cho đến nay Dự án đã cung cấp hố đựng an toàn cho 26 cơ sở thu mua sắt phế liệu ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Mỗi cơ sở sắt phế liệu được hỗ trợ một hố đựng an toàn. Với các hố đựng an toàn, giờ đây các chủ cơ sở thu mua sắt phế liệu đã có một nơi an toàn để cách ly các vật liệu chưa nổ nguy hiểm chết người này khỏi trẻ em và hàng xóm xung quanh cho đến khi Dự án tiến hành xử lý an toàn.

Cán bộ chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn của Dự án có trách nhiệm theo dõi các hố đựng an toàn này và thực hiện kiểm tra thường xuyên để ghi chép số lượng và chủng loại vật liệu chưa nổ có trong các hố đựng an toàn. Sau đó thông tin này được chuyển cho đội hủy nổ của Dự án để chuẩn bị kế hoạch thu gom. Dưới sự giám sát của cố vấn kỹ thuật GWHF, đội hủy nổ tiếp cận hố đựng an toàn được xác định và triển khai thu gom, vận chuyển và hủy nổ toàn bộ số vật liệu chưa nổ tại khu vực hủy nổ trung tâm của đội.

Ngoài ra, Dự án RENEW cũng đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng miễn phí tạo điều kiện cho các chủ cơ sở phế liệu liên hệ yêu cầu xử lý cấp bách trong trường hợp số lượng vật liệu chưa nổ chứa trong hố đựng an toàn vượt quá khả năng cho phép và các trường hợp khẩn cấp khác. Giờ đây người dân địa phương không còn lạ lùng với hoạt động đặc biệt này. Sự an toàn về tính mạng của người dân, đặc biệt là của trẻ em và các hộ gia đình sống gần các cơ sở thu mua sắt phế liệu đã được đảm bảo.

Kết quả đem lại từ hoạt động này ngoài dự kiến mong đợi. Trong vòng chưa đầy 6 tháng kể từ khi triển khai “sáng kiến này” từ tháng 4/2008 hơn 1.500 vật liệu chưa nổ các loại đã được Dự án RENEW di dời và xử lý an toàn.

Loading