Bài của nhà báo Dương Phương Vinh đăng trên Báo Tiền phong ngày 26 tháng 4 năm 2020.
TP – Có lần lướt một diễn đàn, tôi đọc thấy dòng tâm sự: “Nhờ có ngày 30/4/1975 người Sài Gòn gộc như mình mới có được hạnh phúc sáng vừa cà phê Quận 1 mà chiều đã thả bộ Hồ Gươm”. Lập tức có người vào “cà”: “Thả bộ Hồ Gươm làm gì?!” Thế thì giữa người Mỹ và những người miền Bắc, nhất là Hà Nội từng xơi B52 càng phải tuyệt giao, có mày không tao, thù muôn đời muôn kiếp không tan, nhỉ.
Người bận rộn và quan trọng
Chuck Searcy vốn là một sĩ quan tình báo thuộc Tiểu đoàn Tình báo Quân sự 519 của quân đội Mỹ tại Sài Gòn. Một năm tham chiến Việt Nam (1967-1968) đã mãi thay đổi cuộc đời ông.
Trở về từ cuộc chiến, Chuk quay lại Đại học Georgia và tham gia tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam phản đối chiến tranh (VVAW). Ông làm biên tập viên 12 năm ở nhà xuất bản, sau đó là Giám đốc Điều hành Hội Luật sư Georgia cho đến 1995 thì buông neo ở Việt Nam.
Người này bây giờ nhiều chức lắm: Đồng Chủ tịch Nhóm làm việc Phi chính phủ về Chất độc Da cam. Cố vấn quốc tế và đồng sáng lập Dự án RENEW tức dự án rà phá bom mìn và cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn. (Sứ mệnh của RENEW cũng bao gồm hỗ trợ nạn nhân da cam). Ông còn đại diện cho Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam (VVMF), Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình chi nhánh 160, tức là chi nhánh Việt Nam (trụ sở chính ở Mỹ).
Hành trình quen thuộc nhất của Chuck Searcy 25 năm qua là Hà Nội- Quảng Trị và ngược lại, với các dự án rà phá bom mìn, và da cam. Ngoài xắn tay vào các công việc cụ thể, thì còn vô số hội thảo tọa đàm, các chuyến đi. Bởi ngoài các dự án, ông còn kết nối giúp đưa cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam; đưa các đoàn du khách đồng hương tham quan các địa danh lịch sử nơi này. Hoặc lên lớp nói chuyện với sinh viên ở Mỹ và Việt Nam…
Thật là một người giàu năng lượng và quá bận rộn.
Người lạ mà quen
Bắt gặp Chuck Searcy ở bất cứ đâu, tôi đều phải chú mục, và luôn lấy làm lạ. Tháng 1/2018 tôi vào Quảng Trị để viết loạt bài Hai người lính hội ngộ sau 45 năm. (Hai người lính tức là nhân vật trong bức ảnh lịch sử Hai người lính của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành). Bên bờ sông Thạch Hãn, tôi cùng “ba người lính” (tính cả phóng viên chiến trường Chu Chí Thành) dự chương trình Khúc ca hòa bình mà tỉnh tổ chức, nhân 45 năm Hiệp định Paris.
Có khoảng 40 chuyên gia rà phá bom mìn người nước ngoài đang làm việc tại Quảng Trị là khách mời của chương trình. Nghe lao xao tiếng mọi người (trong Ban Tổ chức) gọi tên Chuck Searcy: “Chuck liệu có vào kịp không”.
Số là người này hiện sống và làm việc ở Hà Nội, nay bay vào dự lễ, nhưng hình như chuyến bay trục trặc. Chuck đã quá quen thuộc với người Quảng Trị, có thể coi là người nhà.
Ông cuối cùng lên sân khấu lúc gần chót, và như mọi lần, lại nói thật hay về chiến tranh – hòa bình. Ủng hộ tuyệt đối “ý tưởng tuyệt vời” của Quảng Trị muốn đề xuất Chính phủ chọn 27/1 làm ngày “Vì hòa bình” còn Quảng Trị là “Thành phố Hòa bình” – nơi gặp gỡ không chỉ của quốc gia mà quốc tế, hướng về hòa hợp hòa giải và đoàn kết quốc tế.
Chuck cũng hẹn tiếp tục kêu gọi cựu binh Mỹ đến với Quảng Trị, để chiêm nghiệm và lan tỏa khát vọng hòa bình.
Sau đó ở tọa đàm Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn (Hà Nội tháng 3/2018), Chuck là đồng chủ tọa cuộc có hơn ba chục cựu binh Mỹ và vợ, chồng của họ, cùng mấy chục “cựu thù”- cựu binh Việt Nam. Cả những vị không cựu binh Mỹ mà đến đây trong tua du lịch hòa bình. Một cuộc hay ho, cảm động, khiến tôi về viết được vài bài, ví dụ Cho cuộc hòa giải một cơ hội.
Sau hội thảo, Chuck khiến đồng hương có 17 ngày xuyên Việt mãn nguyện. Nhưng chuyến đi kiểu này đâu phải lần đầu mà khởi sự từ 2008, diễn ra hàng năm từ bấy đến nay, nhằm giúp cựu binh Mỹ và thân nhân, cũng như những người Mỹ quan tâm khác, chứng kiến thay đổi của đất nước này và hiểu người Việt hiện nhìn “kẻ thù cũ” thế nào. Nhiều người đã trở lại đây không chỉ một lần trong tư thế thay đổi hoàn toàn “thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan”.
Năm 2003, người bận rộn Chuck Searcy được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị cho những nỗ lực không mệt mỏi của ông.
“Hãy nhìn gương mặt buồn đó”
Nhiều năm trước, lần đầu nhìn thấy Chuck Searcy trong quán Tadioto của nhà văn Việt kiều Nguyễn Quý Đức ở 24 Tông Đản, Hà Nội, tôi đã được nhà văn Lê Minh Khuê lưu ý ánh mắt buồn của ông: “Hãy nhìn gương mặt buồn đó”.
Tối hôm ấy Chuck dự cuộc ra mắt sách của đồng hương – nhà văn cựu binh Wayne Karlin. Cuốn sách tên là Những linh hồn phiêu dạt – một câu chuyện tuyệt đẹp và hoàn toàn phi hư cấu về sự hóa giải hận thù Việt – Mỹ.
Về sau dần quan tâm, tôi đoán ra vì đâu gương mặt đó lại luôn vương nét u uẩn như vậy. Là nỗi buồn chiến tranh, hẳn thế.
Tình yêu Chuck Searcy dành cho đất nước Việt Nam thì khỏi nói, cũng dai dẳng, vô điều kiện như Catherine Karnow mà tôi đề cập ở kỳ trước. Cái hay nữa ở người này, đó là ông không nồng nhiệt kiểu dễ dãi. Mong hai nước bang giao thắm thiết, xóa bỏ hận thù nhưng ông luôn tỏ quan điểm: “Việt Nam cần thấu đáo trong mối quan hệ với Mỹ và các nước, kiên định lập trường độc lập, cân đối giữa Mỹ và Trung Quốc, không để bất cứ quyền lực nào đẩy mình khỏi thế cân bằng…”. Ông không hề muốn chúng ta có một “tình hữu nghị viển vông” với Mỹ , hoặc Việt Nam phải đánh đổi một cách không xứng đáng. Thì người này xuất thân sĩ quan tình báo cơ mà, sau đó làm sếp của giới luật gia. Tỉnh táo sắc sảo có thừa. Luôn phản biện chính phủ và những thể loại Mỹ “ngạo mạn” tự coi mình là rốn vũ trụ.
Ngày Quốc khánh Việt Nam 6 năm trước, khi đề cập Dự án RENEW chuyên rà phá bom mìn, Chuck Searcy một lần nữa kêu gọi cựu binh Mỹ hối thúc chính phủ gia tăng nỗ lực để tàn tích đau lòng của cuộc chiến sẽ biến mất ở mảnh đất này trong một thập niên tới: “Chúng ta nợ người Việt điều đó, cũng nợ cựu binh Mỹ và bạn bè chúng ta – những người thiệt mạng tại Việt Nam điều đó. Chúng ta nợ họ sự trợ giúp nhằm tái thiết đất nước này”.
Là văn xuôi nhưng nghe giống thơ đấy, phải không.
Trở lại Việt Nam lần đầu năm 1992 để du lịch, đến 1995 Chuck Searcy có một hợp đồng 3 năm làm cho chương trình của cựu binh Mỹ giúp đỡ người khuyết tật do Chính phủ Mỹ tài trợ. Thế rồi ông dông tuốt, tính đến nay đã 25 năm sống và làm việc ở đất nước Việt Nam, chưa biết bao giờ mới trở lại quê nhà.
Ngày nọ, mới đây thôi, tôi nhìn thấy người “lạ mà quen” Chuck Searcy thong dong đi bộ trên hè phố Quán Thánh gần nhà mình, trông thật bình yên. Vẫn cái dáng cao gầy đó, mái tóc bạc trắng và ánh mắt buồn đó, buồn nhưng đã thư thái hơn.
Trở lại dòng bình luận đề cập ở đầu bài, của một người tỏ ra khó hiểu rằng sao ai đó lại có nhu cầu đi dạo ở Bờ Hồ khi mà chẳng đáng thế, hết chiến tranh thì đã sao, cần gì hòa thuận hòa giải? Anh (chị) và những người như anh (chị) có thể cũng sẽ hỏi: Những người như Chuck Searcy lọ mọ ở Hà Nội làm gì nhỉ, lại còn neo đậu quá lâu?
DƯƠNG PHƯƠNG VINH