Home > Tin tức > Khảo sát phi kỹ thuật cung cấp bằng chứng quan trọng để triển khai rà phá nơi cần thiết nhất

Ông Lê Sam và bà Hồ Thị Thanh, hai người dân thôn Mai Đàn, dẫn thành viên Đội Khảo sát phi kỹ thuật đến nơi họ từng phát hiện có bom bi.

 

Hải Lăng, Quảng Trị (17-7-2015): Đội xử lý bom mìn lưu động RENEW hôm thứ Sáu nhanh chóng tiếp nhận nhiệm vụ phá hủy một quả bom bi do người dân phát hiện ở trên một ruộng sắn.

Đội Khảo sát phi kỹ thuật RENEW/NPA đang hoạt động ở địa bàn thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm. Theo kế hoạch phỏng vấn hộ dân để thu thập thông tin liên quan đến bom mìn, nhân viên khảo sát phi kỹ thuật Trần Thị Xuân đến nhà ông Lê Sam, 65 tuổi, và được ông này cho biết mình vừa phát hiện một quả bom bi trong lúc vun đất gốc sắn. Xuân cùng ông Sam đi đến ruộng sắn và sau đó Xuân liên hệ với đội xử lý bom mìn lưu động đến hiện trường. 30 phút sau khi đội đến, người dân trong thôn nghe thấy một tiếng nổ lớn. Gia đình ông Sam và hàng xóm biết quả bom bi nguy hiểm giờ đã được phá hủy an toàn.

Cách tiếp cận mới mà RENEW/NPA giới thiệu gần đây để rà phá vật liệu nổ một cách có hệ thống đang cho thấy những kết quả tích cực. Đội khảo sát phi kỹ thuật triển khai nghiên cứu tài liệu, tổ chức họp thôn và thu thập thông tin có giá trị do người dân địa phương cung cấp về vị trí chính xác của vật liệu nổ nguy hiểm. Cách tiếp cận “dựa vào bằng chứng” này sau đó tiếp tục với việc triển khai đội khảo sát kỹ thuật dùng máy rà quét khu vực đó, sử dụng phương pháp đã được thử nghiệm dành cho các tọa độ bom bi. Sau khi xác định được một Khu vực Khẳng định Nguy hiểm, hoạt động rà phá sẽ được tiến hành. Khi tất cả các vật liệu nổ được phá hủy, người dân địa phương sẽ được thông báo để biết khu vực đó bây giờ an toàn cho hoạt động bình thường.

Cách tiếp cận này  đã chứng minh nhanh hơn, hiệu quả hơn và rất tiết kiệm chi phí, và đảm bảo an toàn đáng tin cậy cho người dân địa phương. Chính vì lý do này, nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng lên nhiều. Với khoản tài trợ  3,5 triệu USD của Bộ Ngoại giao Mỹ cho năm đầu tiên của một dự án có thể kéo dài 5 năm, các đội RENEW/NPA lần đầu tiên được giao nhiệm vụ hoạt động trên toàn tỉnh Quảng Trị.

Là người dân sống lâu năm ở đây, ông Sam cho biết khu vực này bị ném bom ác liệt, đăc biệt là bom bi,  vì có một tiểu đoàn quân giải phóng đóng quân ở đây trong thời gian chiến tranh. Ông Sam nói rằng nhiều bom bi chưa nổ đang còn nằm dưới bề mặt qua nhiều năm lũ lụt. Đất ở đây chưa được rà phá nhưng người dân trong thôn vẫn bất chấp nguy hiểm để trồng lúa và sắn.

Khi phỏng vấn bà Hồ Thị Thanh, 55 tuổi, một người dân khác của thôn Mai Đàn, nhân viên đội khảo sát phi kỹ thuật biết được bà đã từng cuốc trúng hai quả bom bi cách đây sáu năm. Rất may mắn là bom không phát nổ. Lúc đó bà hoảng sợ và lấp đất lại và kể từ đó không dám làm gì nữa. Bà Thanh chỉ cho đội một mảnh đất khoảng 250 m2 đầy cỏ dại, sát với nơi ông Sam phát hiện quả bom bi hôm trước.

“Người dân đã canh tác trên mảnh đấy này nhiều năm rồi,” Đội trưởng Nguyễn Đức Hóa nói. “Khi phát hiện bom bi, người dân bỏ chúng vào bờ tre xung quanh mảnh ruộng của hộ rồi tiếp tục làm việc. Họ rất sợ bom bi nhưng phải làm việc để kiếm sống,” Hoá cho biết. Anh nói những ai không bị chết hay bị thương khi di chuyển vật liệu nổ là rất may mắn, vì bom bi rất nguy hiểm.

Theo Quản lý Hoạt động RENEW/NPA Nguyễn Thị Diệu Linh, thông tin nhiệm vụ hủy nổ bom mìn lưu động do người dân cung cấp ở các thôn như Mai Đàn là bằng chứng cần thiết để RENEW/NPA triển khai một đội khảo sát kỹ thuật và một kế hoạch hành động. Phương pháp khảo sát dấu vết bom bi/bom chùm, dựa trên một quy trình tìm kiếm  phân tích, cho phép các đội khảo sát kỹ thuật xác định mối nguy hiểm một cách chính xác và thiết lập một Khu vực Khẳng định Nguy hiểm.

Nhân viên kỹ thuật RENEW/NPA đang khảo sát dấu vết bom bi và các loại vật nổ khác ở hiện trường thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng.

 

“Các Khu vực Khẳng định Nguy hiểm được nhập vào Cơ sở Dữ liệu của  Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị[i],” Linh nói. “Trung tâm điều phối sau đó giao cho các tổ chức phi chính phủ tiến hành rà phá các khu vực khẳng định nguy hiểm này. Ví dụ, tổ chức MAG đang rà phá các khu vực nguy hiểm do RENEW/NPA xác định kể từ tháng 3-2014.” Linh cho biết loại hình hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ hiện đang đi đến một giai đoạn mới có hiệu quả.

Tính đến nay các đội Khảo sát dấu vết bom chùm của RENEW/NPA đã khảo sát được 58,5 triệu m2 ở bốn huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ và Đakrông, kết quả xác định được 322 khu vực khẳng định nguy hiểm gồm 7,8 triệu m2. Trong tiến trình khảo sát, 4,057 bom bi và vật liệu nổ khác được phá hủy an toàn.

“Cách tiếp cận khảo sát dựa vào chứng cứ hộ dân đã giúp chúng tôi có được thông tin đầy đủ và chính xác về các khu vực nguy hiểm và khu vực nghi ngờ,” Đội trưởng Hóa nói. “Dựa vào bằng chứng đó, RENEW/NPA sẽ lên kế hoạch can thiệp thích hợp để đảm bảo an toàn cho người dân.”

Với nguồn nhân lực có 26 nhân viên khảo sát phi kỹ thuật, Đội Khảo sát Phi kỹ thuật RENEW/NPA trong ba năm qua đã phỏng vấn được 12.425 hộ gia đình với tổng số nhân khẩu 60.718. Thông tin liên quan đến bom mìn do đội thu thập được đã giúp cho các đội hủy nổ bom mìn lưu động triển khai 2.860 nhiệm vụ, phá huy an toàn 6.936 vật liệu nổ các loại.

[i] Với sự hỗ trợ của Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị mới đây đã thành lập Trung tâm điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh để điều phối tất cả các nỗ lực giải quyết bom mìn sau chiến tranh có sự tham gia của các tổ chức PCP và chính quyền địa phươnmg.

Loading