Home > Tin tức > Hồ Văn Lai: Từ nạn nhân bom mìn đến người kể chuyện mạnh mẽ

Mất ba chi trong vụ nổ bom bi tạo ra những thách thức cuộc sống và cơ hội thay đổi cuộc sống đối với một cậu bé Việt Nam

Hồ Văn Lai trong buổi nghỉ giải lao ở một trường học nơi anh hướng dẫn hành vi an toàn cho các em học sinh. Cam Lộ, 20/3/20201. Ảnh: Hiền Ngô, Dự án RENEW.

Khi 10 tuổi, Hồ Văn Lai như nhiều trẻ em khác ở tỉnh Quảng Trị miền trung Việt Nam, đi học ở trường tiểu học Gio Việt, huyện Gio Linh, nằm gần với khu vực phi quân sự cũ trong chiến tranh. Gia đình nhỏ của Lai ở sát một căn cứ quân sự của Mỹ nơi lính Mỹ đóng quân và chứa vũ khí và thiết bị từ năm 1966 đến 1972.

Vào một buổi chiều nóng nực tháng 6 năm 2000, Lai và ba người em họ đi chơi ở cồn cát cách nhà Lai vài trăm mét, gần bờ biển. Các chú bé tình cờ thấy những vật lạ nằm trên cát, trông giống như những quả bóng tennis. Tò mò, và không biết đó là bom bi nguy hiểm, Lai nhặt lên vài quả và bắt đầu gõ chúng với nhau trong khi các mấy em họ đứng nhìn. Có một tiếng nổ lớn.   

Vụ nổ khiến hai em họ của Lai bị chết và em họ còn lại bị thương nặng. Lai bị cụt cả hai chân, cánh tay phải bị đứt lìa, bàn tay trái bị giập nát vì vụ nổ, và Lai bị mù một mắt. Vụ nổ tốc độ cao bắn ra xung quanh hàng trăm mảnh kim loại, đi vào 86% cơ thể của Lai. Không ai hy vọng Lai sẽ qua khỏi.

Thật kỳ diệu, Lai đã sống sót. Và rồi cậu bắt đầu cuộc hành trình chậm rãi, đau đớn với các cuộc phẫu thuật y tế, điều trị sau phẫu thuật và các phác đồ phục hồi chức năng để cố gắng phục hồi một số chức năng sau vụ tai nạn thương tâm. Cậu ấy đã làm việc chăm chỉ trong những năm sau vụ tai nạn, học cách bù đắp những mất mát của mình và thích nghi với những thay đổi lớn trong cơ thể. Cậu ấy đã cố gắng rất nhiều để trở lại bình thường, theo học tại một trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật cho đến khi cuối cùng được trở lại trường công lập. Cuối cùng, Lai cũng thi đậu và ghi danh vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Tuy nhiên, những khuyết tật nặng của mình đã hạn chế nghiêm trọng những gì Lai có thể làm được. Quá trình cải thiện sức khỏe chậm lại, thị lực của anh ấy yếu đi. Việc đọc bằng một mắt bị lác và viết bằng một vài ngón tay trên bàn tay còn lại của anh ấy, rất vất vả. Anh ấy đã rất khó khăn để theo kịp các bài học của mình ở trường đại học. Cuối cùng, Lai xin được đình chỉ học đại học không thời hạn, vì thế giữ nguyên hồ sơ học tập từ năm 2014.

Đứng dậy

Bất chấp những khó khăn đó, Lai không bao giờ bỏ cuộc. Anh quyết tâm vượt qua những rào cản do khuyết tật của mình, từ chối và đấu tranh chống lại những định kiến ​​xã hội, đứng lên bảo vệ bản thân và những người khuyết tật khác. Anh chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của mình rằng một ngày nào đó anh sẽ đứng dậy, và tự bước đi trở lại.

Trong năm 2015 và 2018, Lai được lắp đôi chân giả chi phí thấp, sản xuất trong nước được sản xuất bởi Chương trình Phục hồi chức năng do Dự án RENEW vận hành dưới sự tài trợ của Cơ quan Viện trợ Ireland và tổ chức Những Người bạn của Dự án RENEW. Kể từ năm 2001, Dự án RENEW đã hoạt động để giúp tỉnh Quảng Trị an toàn khỏi nguy cơ bom mìn. Bên cạnh duy trì các đội hiện trường rà phá vật liệu nổ còn sót lại trên khắp tỉnh Quảng Trị, Dự án RENEW còn giúp hơn 2.000 người cụt chi có một khởi đầu mới trong cuộc sống với chân và tay giả để thay thế các chi bị mất do tai nạn bom mìn. Với hai chiếc chân giả được tùy chỉnh của Lai, anh bắt đầu luyện tập hàng ngày, với nỗ lực rất lớn, để tự đi lại với sự hỗ trợ của một chiếc nạng để giữ thăng bằng. Đó không phải là một thử thách dễ dàng, nhưng Lai đã thành công.

Hồ Văn Lai được nhân viên kỹ thuật chương trình Phục hồi chức năng lưu động RENEW khám và đo mỏm cụt để làm mới chân giả trong một chuyến công tác của đoàn. Đông Hà, 29/3/2018. Ảnh: Toàn Đặng, Dự án RENEW.

Hôm nay, Lai tự đi; anh đón xe buýt để đi những quãng đường xa hơn; anh góp sức vào các công việc khác ở nhà, anh giúp đỡ hàng xóm và các em nhỏ. Và anh ấy hiện là một thành viên chủ chốt, một nhân viên làm công ăn lương, tại chương trình Giáo dục Nguy cơ Bom mìn của Dự án RENEW do Cơ quan Viện trợ Ireland tài trợ. Với tư cách là một cộng tác viên, một giảng viên giàu kinh nghiệm và một diễn giả có biểu tượng mạnh mẽ, Lai hiện đang thực hiện các buổi giáo dục nguy cơ do RENEW tổ chức tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Anh đến các trường học địa phương để nâng cao nhận thức về nguy cơ vật nổ, anh tham gia các sự kiện của thôn và các hoạt động khác của cộng đồng để chia sẻ hướng dẫn hành vi an toàn với người dân địa phương – đặc biệt là trẻ em. Các em nhỏ lắng nghe với sự chú ý cao độ khi Lai kể cho các em về tai nạn của mình, cuộc sống của anh ấy đã trở nên thế nào sau khi sống sót sau vụ nổ bom bi. Anh cảnh báo các em không bao giờ đụng vào vật liệu chưa nổ, hoặc bất kỳ vật thể lạ nào, đồng thời báo cáo các nghi ngờ của mình cho phụ huynh và giáo viên. Những đứa trẻ dành cho Lai sự chú ý hoàn toàn của chúng.

Những nỗ lực của Lai và những đóng góp của anh không chỉ là kể chuyện. Lai là một bài học sống, một nguồn cảm hứng, một người truyền thông mạnh mẽ nâng giáo dục rủi ro và giáo dục nhận thức về người khuyết tật lên những tầm cao mới.

“Cuộc sống của mình đã cải thiện rất nhiều kể từ mình nhận được chân giả từ Dự án RENEW,” Lai nói. “Trước đó, khi chân giả cũ của mình bị hư hoặc hao mòn, bố mẹ mình và mình lo lắng vì không có đủ tiền để trang trải chi phí vào Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng để thay thế. Bây giờ Dự án RENEW và bệnh viện tỉnh cung cấp dịch vụ này tại chỗ, và miễn phí với mình và gia đình.”

Lai là một trong số khoảng 2.000 người bị cụt chi đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình Phục hồi chức năng lưu động của Dự án RENEW trong những năm gần đây. Dụng cụ chức năng cho phép Lai tham gia tích cực vào các sự kiện xã hội và văn hóa trong thị trấn và xung quanh huyện, Lai giải thích. “Đối với người khuyết tật, loại dịch vụ này thực sự thiết thực và ý nghĩa. Cùng với việc tạo thu nhập và phổ biến Luật Việt Nam về người khuyết tật, đây là những cách quan trọng để duy trì cuộc sống của người khuyết tật, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho người khuyết tật hòa nhập vào các hoạt động văn hóa và xã hội.”

Lịch hàng ngày của Lai

Hồ Văn Lai giúp các em học sinh tiểu học vẽ tranh trong một phiên giáo dục nguy cơ bom mìn tại trường học. Cam Lộ, 20/3/20201. Ảnh: Hiền Ngô, Dự án RENEW.

Một ngày trong đời của Hồ Văn Lai thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau khi ăn sáng, Lai đón xe buýt từ quê lên thành phố Đông Hà để làm việc tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Du khách bắt đầu đến sớm. Một số là khách du lịch, một số là cựu chiến binh, khách thường xuyên là học sinh từ các vùng quê xa xôi ở tỉnh Quảng Trị. Đôi khi Lai nói chuyện với các sinh viên giao lưu nước ngoài, hoặc các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ, giới truyền thông, và một số đoàn chuyên nghiệp dừng chân tại Trung tâm. Lai cho biết anh thực hành tiếng Anh của mình với du khách để có thể tự tin nói chuyện với mọi người mà không bị xấu hổ. “Tôi từng nghĩ rằng học đại học là cách duy nhất để làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn,” Lai nói. “Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi đã thay đổi kể từ ngày tôi bắt đầu làm việc tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.”

Công việc không chỉ cho phép Lai có thu nhập tương xứng để trang trải các chi phí cơ bản và sinh hoạt hàng ngày, mà việc làm thường xuyên và là thành viên của đội RENEW đã thôi thúc anh hàng ngày và giúp anh ấy chữa lành những vết sẹo khủng khiếp về thể chất và tinh thần do vụ nổ bom bi gây ra 21 năm trước.

Động lực trong cuộc sống

“Vị trí này rất bổ ích cho tôi,” Lai nói. “Tôi may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác. Tôi có thể làm việc và cống hiến những nỗ lực của mình cho một số điều tốt đẹp. Tôi nhận được nhiều sự động viên, nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ mọi người. Ngay cả khi đang đi trên xe buýt, những đứa trẻ đi học sẽ cho tôi kẹo và bánh. Và tại Trung tâm, tôi nhận được nhiều lời động viên ân cần từ các thành viên trong đoàn đến thăm,” Lai nói.

“Tất cả những điều này giúp tôi vượt qua những thách thức mà tôi phải đối mặt từ khuyết tật của mình, để tôi có thể cống hiến hết mình cho công việc của mình”.

Lai nói: “Đối với tôi, hạnh phúc là được trở thành một giảng viên giáo dục nguy cơ bom mìn, tuyên truyền viên, làm việc bên cạnh trẻ em, tương tác với các em, đặc biệt là các em sống tại các cộng đồng có nguy cơ bom mìn ở tỉnh Quảng Trị. Tôi đang giúp cho các em an toàn trước mối đe dọa của bom mìn. ”

“Và bây giờ có thể tự đi bằng chân của mình, nhờ có chân giả tốt, tôi có thể tham gia các sự kiện văn hóa xã hội xung quanh thị trấn.”

Hồ Văn Lai nói chuyện với ông John McCullagh, Đại sứ Ireland tại Việt Nam trong chuyến thăm của ông đến Quảng Trị. Đông Hà, 10/7/2020. Ảnh: Hiền Ngô, Dự án RENEW.

Lai cho biết mong muốn cuối cùng của mình là mọi người sẽ có thái độ tôn trọng đối với người khuyết tật, biết họ là ai và chia sẻ sự chấp nhận họ, từ các thành viên gia đình, người dân cộng đồng, chính quyền địa phương. Điều đó sẽ dẫn đến những điều kiện thuận lợi hơn “để chúng tôi có thể sống với đầy đủ phẩm giá và khả năng của mình, và đóng góp vào sự phát triển xã hội của cộng đồng và đất nước”, Lai giải thích.

Câu chuyện của Hồ Văn Lai, và trải nghiệm của nhiều người khuyết tật khác ở tỉnh Quảng Trị, đầy thách thức và truyền cảm hứng. Những điều này đem lại hy vọng và niềm tin rằng bạn bè và gia đình những người đang phải đối mặt với những tai nạn khủng khiếp và những bất hạnh khác có thể vượt qua hoàn cảnh bi thảm của họ. Họ có thể tiếp tục các hoạt động hữu ích trong cộng đồng và tự tin đối mặt với tương lai, nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng đối với an toàn về bom mìn, đồng thời lên tiếng nói để khuyến khích cuộc sống đầy đủ và sự tham gia tích cực của người khuyết tật vào công việc của gia đình, cộng đồng và quốc gia.


 Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập năm 2001, có sứ mệnh phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Loading