Home > Tin tức > Đại diện NPA/RENEW phát biểu tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn
Video phần trình bày của bà Nguyễn Thị Diệu Linh tại Hội nghị chuyên đề Hành động Bom mìn Không thể chờ đợi. Nguồn: UN Web TV

New York, Hoa Kỳ (4-4-2023) — Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào chiều thứ Ba (15h00 – 17h45 giờ miền đông Hoa Kỳ), bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Chương trình của NPA Việt Nam tại Dự án RENEW ở tỉnh Quảng Trị, đã có bài phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề về “Hành động Bom mìn Không thể Chờ đợi” do Cơ quan Hành động Bom mìn LHQ (UNMAS) tổ chức.

Diễn ra đúng Ngày Quốc tế về Nhận thức Bom mìn 4-4, Hội nghị chuyên đề có mục tiêu làm rõ tác động của ô nhiễm bom mìn trong nhiều thập niên qua tại các quốc gia như Campuchia, CHDCND Lào, và Việt Nam, cũng như kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề ô nhiễm bom mìn gần đây ở Myanmar, Ukraine, and Yemen. Trong phiên dành riêng cho Đông Nam Á, bà Linh cùng với các diễn giả gồm có Đại sứ Lào và Đại sứ Campuchia tại LHQ, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn quốc gia Việt Nam, đại diện Nhóm Cố vấn Bom mìn – MAG và Legacies of War trình bày về những kết quả và bài học kinh nghiệm sau hơn hai thập niên thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại khu vực được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong suốt chiến tranh Việt Nam.

“Mô hình quan hệ đối tác ở Quảng Trị là một ví dụ nổi bật về những gì có thể đạt được khi khắc phục hậu quả bom mìn được điều phối, thông tin liên lạc thường xuyên giữa tất cả các bên liên quan, cơ sở dữ liệu chia sẻ công khai, và mọi người làm việc hướng về một tiêu chung,” bà Linh chia sẻ một trong những kiến nghị mà bà tin rằng có thể dẫn đến việc giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ có hiệu quả và hiệu suất hơn.

Theo bà Linh, hỗ trợ của chính phủ Việt Nam cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn cũng của các nhà tài trợ quốc tế, gồm có chính phủ Hoa Kỳ, Na Uy, Ireland và Vương quốc Anh, là quan trọng trong việc cho phép nhân viên dự án tiếp tục làm cho người dân và đất đai ở Quảng Trị an toàn khỏi tác động của bom mìn. “Tuy nhiên, nhiều tỉnh bị ô nhiễm ở Việt Nam vẫn chưa được thụ hưởng từ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sâu rộng như Quảng Trị đang có,” Linh nhấn mạnh.

Nguyễn Thị Diệu Linh vào làm việc tại RENEW từ năm 2009 với tư cách là phiên dịch hiện trường. Sau đó Linh thăng tiến qua các vị trí từ Trợ lý Hoạt động, rồi Cán bộ Hoạt động, và rồi Quản lý Hoạt động Chương trình Khảo sát và Rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) hợp tác với Dự án RENEW. Hiện nay, bà Linh là Quản lý Chương trình cấp tỉnh của NPA tại Quảng Trị, quản lý gần 300 nhân viên sở tại và hoạt động hàng ngày của Chương trình khảo sát và rà phá của NPA/RENEW tại Quảng Trị do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.

Bà Nguyễn Thị Linh và ông Jerry Ray, Giám đốc tổ chức Friends of Project RENEW sau khi kết thúc Hội nghị chuyên đề. New York City, 4-4-2023.

Ông Jerry Ray, thành viên Ban Giám đốc Friends of Project RENEW, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Virginia (Mỹ) cũng có mặt tại Hội nghị chuyên đề diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York. Tổ chức Friends of Project RENEW hợp tác chặt chặt chẽ với Dự án RENEW để thúc đẩy sứ mệnh của Dự án tại Việt Nam, bao gồm kêu gọi nguồn hỗ trợ và nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân Mỹ về các mục tiêu và hoạt động của RENEW.

Dự án RENEW là mô hình khắc phục hậu quả bom mìn toàn diện duy nhất ở Việt Nam lồng ghép khảo sát và rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ nạn nhân được triển khai năm 2001 với nguồn tài trợ ban đầu của các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Hiện nay, Dự án RENEW nhận được nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua NPA Việt Nam để thực hiện khảo sát và rà phá bom mìn; từ chính phủ Ireland cho hoạt động giáo dục nguy cơ bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật; từ các tổ chức và cá nhân khác.

Loading