Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (21-08-2009)
Một khối bom chùm chưa nổ gần như còn nguyên, nằm trong cấu hình nhiều ống dài, thả từ máy bay quân đội Mỹ hơn ba thập kỷ qua, đã được đào lên gần Khu phi quân sự tỉnh Quảng Trị.
[clear]
Một đội Xử lý (bom mìn vật nổ) lưu động khẩn cấp thuộc Dự án RENEW, chuyên định vị và phá hủy các loại vật nổ sau chiến tranh, được một người dân địa phương báo rằng anh ta biết khối bom chùm đã được chôn ở chỗ này nhiều năm nay.
Người đàn ông thông báo cho những thành viên của Đội khi họ đã phổ biến những kiến thức an toàn cho người dân ở xã Xuân Khê, thông báo số điện thoại nóng miễn phí để người dân báo cáo khi phát hiện bom mìn vật nổ để Đội có thể xử lý hay thu gom an toàn.
Thành viên của Đội Xử lý lưu động theo chân người đàn ông trên một con đường đất ngoằn ngoèo, băng qua vùng đất không bằng phẳng trồng cây keo đến một hố bom rộng chừng 10m, cách Quốc lộ 1A chừng 5km về phía Tây. Ở giữa hố thấy nhiều ống nhôm lấp trong đất. Đội Xử lý lưu động bắt đầu quá trình đào khó khăn, chậm rãi, cẩn thận và lấy đi từng miếng đất bao bọc quanh những ống nhôm một cách an toàn, đến một độ sâu cho phép co thể di dời và vô hiệu hóa khối bom.
Vật nổ được xác định là bom rải SU-14/A, gồm những ống nhôm được gắn vào một khung giá chứa từ 100 đến 200 quả bom con BLU-24/B trong 1 khối. Sau nhiều ngày vất vả đào đất, thứ Tư ngày 19 tháng 08 năm 2009, Đội đã lôi được khối bom rải từ hố sâu 2,5m. 5 ống ở một đầu khung giá bị mất, có thể là đã vỡ tách ra trước khi chạm đất.
Cố vấn Kỹ thuật NPA, người hỗ trợ kỹ thuật cho Đội xử lý lưu động, cho rằng loại này rất hiếm khi gặp ở Việt Nam. “Loại này có thể được một máy bay tác chiến tầm thấp rải, loại máy bay gắn ống bom chùm dưới cánh”, Peter Herbst, chuyên gia Australia của NPA nói. “Có thể máy bay đã bị bắn từ dưới mặt đất, phi công thả nhanh khối bom và bỏ nhiệm vụ được giao, một số ống không nổ và chìm trong đất nhiều năm như vậy”. Khối bom đã được chuyển tới khu hủy nổ tập trung để phá hủy.
Người đàn ông dẫn Đội đến hiện trường nhớ lại “vật thể lạ” đó được trẻ chăn trâu trong vùng phát hiện đầu tiên, bọn trẻ cho lá khô lên trên rồi đốt và chạy khi có phát nổ. Rất may không có ai bị thương và từ đó không có ai mon men gần hố bom ấy nữa.
Đội Xử lý lưu động của Dự án RENEW hợp tác với NPA đã hoạt động ở Cam Lộ từ tháng 06 năm 2008, phá hủy hơn 1.200 bom mìn vật nổ. Một phần ba trong số đó là bom con/đạn chùm.
Những đội xử lý lưu động (EOD) dựa chủ yếu vào thông tin thu thập từ người dân địa phương như là một bộ phận trong mạng lưới báo cáo dựa vào cộng đồng của chương trình Giáo dục phòng tránh bom mìn của RENEW, hiện tại đã thành lập tại 5 xã thuộc huyện Cam Lộ. Sự hợp tác giữa người dân địa phương và những đội xử lý lưu động đã giúp giảm thiểu hiểm họa bom mìn vật nổ đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, công việc rà phá còn lâu mới kết thúc được. Theo tổ chức Người khuyết tật Quốc tế (Handicap International), từ năm 1965 đến 1975, quân đội Mỹ đã thả ít nhất 96,9 triệu quả mìn sát thương và các loại bom con/đạn chùm khác trên khắp Việt Nam. Một nguồn khác cho biết, trên 30% số vật nổ đó không phát nổ, như vậy còn khoảng 29,1 triệu quả bom con/đạn chùm vẫn còn trên mặt đất hoặc ngay dưới mặt đất trên khắp Việt Nam. *1
*1. Handicap International, Circle of Impact: The Fatal of Cluster Munitions on People and Communities, May 2007