Ái Tử, Triệu Phong (30-05-2010)
Các chủ cơ sở đại lý thu mua sắt phế liệu ở tỉnh Quảng Trị, trong khuôn khổ một chương trình mới do Dự án RENEW triển khai, đang được tập huấn để nhận dạng và hiểu biết các đặc điểm kỹ thuật của bom mìn sót lại sau chiến tranh thường do người rà tìm phế liệu đem đến bán bất chấp nguy hiểm.
[clear]
Kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây 35 năm, 1/3 trong tổng số hơn 7.000 trường hợp thương vong ở tỉnh Quảng Trị – bao gồm 2.600 người chết – là do thu lượm phế liệu chiến tranh. Một nghiên cứu của Dự án RENEW trong năm 2007, hợp tác với Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) và Unicef, kết luận rằng nguyên nhân khiến nhiều người tiếp tục tìm kiếm phế liệu chiến tranh nguy hiểm này là do nghèo đói và thiếu các giải pháp kinh tế.
Do chưa tìm ra giải pháp khả thi để chấm dứt một cách có hiệu quả hoạt động nguy hiểm này, cán bộ Dự án RENEW đã xây dựng một kế hoạch để tập huấn chủ đại lý phế liệu để họ hiểu biết hơn về chi tiết vật liệu nổ mà họ phát hiện – và để biết chính xác hơn về mức độ nguy hiểm của mỗi loại bom mìn – như là một phương pháp để tránh tiếp xúc với một số loại vật liệu chưa nổ và xử lý các loại khác một cách hiểu biết. Trong quá trình này, 16 hộ gia đình hiện đang kinh doanh phế liệu được đội Khảo sát cộng đồng phối hợp với chương trình giáo dục nguy cơ bom mìn tập huấn.
Khóa tập huấn tại hộ gia đình cung cấp thông tin cơ bản về đặc tính nguy hiểm của các loại bom mìn thường được phát hiện ở các đại lý thu mua sắt phế liệu. Khóa tập huấn mở rộng ra tất cả các thành viên trong gia đình hưởng lợi, gồm trẻ em. Những đối tượng thu lượm sắt phế liệu đến đại lý để bán phế liệu chiến tranh cũng được nhận các tờ rơi về giáo dục nguy cơ bom mìn, và được cung cấp số điện thoại đường dây nóng miễn phí của Dự án RENEW dùng để báo cáo khi phát hiện bom mìn nguy hiểm.
“Khóa tập huấn này rất hữu ích đối cho tôi,” anh Nguyễn Văn Quang, một chủ hộ kinh doanh phế liệu ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong từ năm 2001 nói. “Khóa học cho tôi biết thông tin cơ bản, quan trọng để phân loại các vật liệu chưa nổ nguy hiểm ra khỏi sắt phế liệu trong khi giao dịch với các đối tượng thu lượm phế liệu”, anh nói. Đại lý phế liệu của anh thu mua khoảng 200kg phế liệu chiến tranh mỗi ngày, do vậy số vật liệu chưa nổ tình cờ lẫn trong đống phế liệu do người thu lượm phế liệu mang đến là có thể hoàn toàn lớn. “Khi chúng tôi phát hiện có vật liệu chưa nổ,” anh Phan Giỏ, người địa phương làm công cho hộ anh Quang từ năm 2008 nói, “chúng tôi bỏ nó vào Thùng Bom mìn”.
Thùng Bom mìn là một thùng bê tông cốt thép chôn một phần xuống đất có nắp đậy thông hơi và khóa để chủ đại lý phế liệu cách ly an toàn các loại vật liệu nổ khỏi tiếp xúc của trẻ em và láng giềng. Hàng tuần, đội xử lý bom mìn của Dự án RENEW đến thu gom và hủy an toàn các loại vật nổ này. Cho đến nay, Dự án RENEW đã thu gom và xử lý trên 2.600 vật liệu chưa nổ các loại gồm đạn cối, đạn pháo, bom và các loại khác từ các đại lý phế liệu này.
Nghiên cứu khảo sát thực hiện năm 2007 bởi NPA và Dự án RENEW phối hợp với Đại học Huế và Unicef , về tình hình thu lượm sắt phế liệu ở ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Mục đích là sử dụng các phát hiện và khuyến nghị của báo cáo này cho các nhà hoạch định chính sách thiết kế các chương trình và chính sách giảm mối nguy hiểm đối với các đối tượng buôn bán và thu lượm sắt phế liệu và tìm kiếm các giải pháp kinh tế cho họ.
Tai nạn vẫn còn xảy ra. Tháng 8 năm ngoái, một người đàn ông 42 tuổi đã có gia đình ở huyện Hải Lăng, cha của hai đứa con, bị mất cả hai cánh tay và chấn thương nặng khi một quả đạn phát nổ trong khi người này cố gắng tháo để bán sắt phế liệu.
Một lượng rất lớn các vật liệu chưa nổ trên đất đai hoặc chỉ dưới bề mặt vẫn còn khắp nơi tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, cùng với đói nghèo, là nguyên nhân chính dẫn đến cái nghề nguy hiểm này, kéo dài một tình trạng mà chỉ có thể thay đổi bằng sự can thiệp mạnh mẽ từ chính quyền Việt Nam, từ các nhà tài trợ và từ các tổ chức phi chính phủ. Chương trình nhận dạng và nâng cao nhận thức của Dự án RENEW để giáo dục các chủ đại lý buôn bán sắt phế liệu là một bước dẫn đến một giải pháp đối với mối nguy hiểm đang còn tiếp tục này.