Home > Tin tức > Hậu quả chiến tranh, trớ trêu thay, đưa Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn

Bài viết của Chuck Seacry, 15-2-2021. Bản dịch tiếng Việt của Hiền Xuân Ngô.

Chuck Searcy

Tháng trước, việc hoàn thành tẩy độc dioxin trên một khu đất rộng 5.300 m2 ở sân bay Biên Hòa đánh dấu một cột mốc quan trọng.

Các quan chức của chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cảm thấy hài lòng khi biết rằng hậu quả chiến tranh chất da cam/dioxin hiện đang được giải quyết, sau một lịch sử hậu chiến phiền muộn của thông tin sai lệch và tranh cãi, cáo buộc và nghi ngờ.

Không chỉ các quan chức nhà nước, mà còn các cựu chiến binh và người dân bình thường của hai nước có thể tự hào nhìn lại sự chuyển biến đáng chú ý mà đã xảy ra trong hai thập niên vừa qua, từ những năm đầu của những ngờ vực và cáo buộc đến một mối quan hệ đối tác tích cực và đang diễn ra giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày hôm nay.

Mối quan hệ đó hiện được xây dựng trên lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau.

Một nền tảng của mối quan hệ được cải thiện đáng kể của chúng ta là một cam kết chung, rõ ràng giữa người dân của hai nước để giải quyết hậu quả chiến tranh, chất da cam/dioxin, vật liệu nổ, và tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh từ tất cả các bên, một cách chân thành và cởi mở. Chúng ta hiện nay ghi nhận rằng cấu phần nhân đạo của những thách thức này vượt lên trên chính trị và đòi hỏi môt nỗ lực chung, quên mình của tất cả những ai có liên quan.

Làm thế nào mà chúng ta đạt đến điểm mốc này?

25 năm sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, là một thời khắc thích hợp để quan sát và suy ngẫm.

Tôi là một nhân chứng cá nhân cho lịch sử này: ban đầu, với tư cách là một người lính Lục quân Hoa Kỳ trong chiến tranh, giai đoạn 1967-68, sau đó là một cựu chiến binh trở lại Việt Nam trong năm 1995 để cố gắng đóng góp vào công cuộc tái thiết, phục hồi và hòa giải mà người Việt Nam đang theo đuổi một cách đau đớn. Làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng Thụy Điển và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để cung cấp thiết bị chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật, một trong những dự án đầu tiên do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, tôi được biết về con số khủng khiếp các trường hợp tử vong và thương tật suốt đời trong những người dân bình thường trên toàn nước Việt Nam do bom mìn, vật nổ còn sót lại gây ra.

Tôi bị sốc khi biết rằng hơn 100.000 người Việt Nam đã bị chết hoặc bị thương bởi vật liệu nổ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Khi tôi và những người Mỹ khác thảo luận về thảm kịch nhân đạo này với nhân viên Sứ quán Hoa Kỳ và các quan chức chính phủ khác, đã có một sự đồng thuận thận trọng rằng mối thách thức nghiệt ngã này cần được giải quyết, vâng, đó là một lĩnh vực mà trong đó Hoa Kỳ có thể hỗ trợ.

Một cách lặng lẽ, giữa các quan chức Hoa Kỳ xuất hiện một sự nhất trí rằng Mỹ nên có một phần trách nhiệm đối với hậu quả của việc ném bom nặng nề mà đã xảy ra trong chiến tranh, cái mà đã để lại ước tính 800.000 tấn bom, đạn chưa nổ, gây chết người, đe dọa nông dân, dân làng, học sinh ở mọi nơi.

Cây Hòa bình là tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên của Mỹ nhận được sự chấp thuận từ quan chức tỉnh Quảng Trị để rà phá một hiện trường nhỏ có vật liệu nổ và trồng cây ở đó. Cánh cửa được mở ra cho sự hợp tác sâu rộng hơn, với sự tham gia của một tổ chức rà phá của Đức, SODI, ngay sau đó, là Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG) của Anh, Tổ chức Nhân đạo Golden West (GWHF), và các tổ chức khác bao gồm Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF) mà đã hỗ trợ Dự án RENEW, và tổ chức cứu trợ quốc tế Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA).

Làm việc cùng với các quan chức Việt Nam và Bộ Quốc phòng, những sáng kiến này đã tạo ra một con đường cho sự hợp tác ngày càng tăng và một sự giảm thiểu được dẫn chứng về số tai nạn và thương tích do vật nổ gây ra.

Bằng chứng hiện nay là rõ ràng. Trong ba năm qua, tại tỉnh Quảng Trị, không có tai nạn, không có thương tích, không có tử vong do vật nổ gây ra. Đó là kết quả của tất cả mọi người làm việc cùng với nhau, ở cấp quốc gia và địa phương, các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế tay trong tay.

Thành viên đội RENEW/NPA đang chuẩn bị phá hủy một quả bom của Mỹ tại bãi hủy nổ tập trung ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, 26-7-2018. Ảnh: Hiền Xuân Ngô.

Vấn đề chất da cam/dioxin phức tạp hơn, và gây tranh cãi nhiều hơn. Không giống như vấn đề vật liệu nô, vốn được nhiều người có thiện chí ở tất cả các bên chấp thuận, chất da cam/dioxin khiến ban lãnh đạo và những người nắm cổ phiếu của các công ty hóa chất Hoa Kỳ mà sản xuất chất diệt cỏ hóa học lo sợ rằng họ có thể bị kiện và sẽ đối mặt các trách nhiệm tài chính to lớn. Trên thực tế, một số phiên tòa đã được đưa ra chống lại các công ty này ở Hoa Kỳ, thay mặt cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ hoặc các nguyên đơn Việt Nam, nhưng đều không thành công hoặc chỉ thành công một phần nhỏ.

Tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ các công ty này trong việc họ phủ nhận hoàn toàn bất kỳ mối quan hệ nào giữa chất da cam và dị tật bẩm sinh, ung thư và các bệnh tật khác, tàn tật suốt đời, và các hạn chế khác về y tế và tâm thần bất chấp bằng chứng. Người Việt Nam biết những điều kiện này tồn tại rộng rãi trong hàng xóm và gia đình của mình. Việc Hoa Kỳ từ chối thừa nhận vấn đề này và đối mặt với trách nhiệm của chúng toi để giúp người Việt Nam, đặc biệt khi chúng tôi đang chi trả hơn 10 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ các cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất da cam, đã để lại một dư vị đắng cho người Việt.

Vấn đề này cuối cùng được giải quyết với sự tham gia ngày càng tăng và sự vận động công chúng của một nhóm người Mỹ ngày càng tăng, gồm cựu chiến binh, chuyên gia y té và truyền thông.

Đáng chú ý là vai trò của Tổ chức Ford và giám đốc của tổ chức này tại Việt Nam lúc đó, Charles Bailey, người đã tài trợ các nghiên cứu thực địa quan trọng, các hội thảo và các nghiên cứu chuyên môn để trả lời nhiều câu hỏi đặt ra từ các nhà phê bình.

Ngày càng khó khăn cho Hoa Kỳ để đứng ngoài cuộc, lập luận chống lại sáng kiến nhân đạo này, khi mối đồng thuận được xây dựng một cách mạnh mẽ rằng chất da cam/dioxin thực sự là một vấn đề ở Việt Nam, và có nhiều bước chúng tôi có thể triển khai để giảm nhẹ thảm họa, gồm việc tẩy độc các “điểm nóng” (như Biên Hòa) và hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình bị ảnh hưởng.

Chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng đã vào cuộc theo một cách tích cực và thấy rõ nhất cung cấp nguồn tài trợ quan tọng để tẩy độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, và hiện nay việc tẩy độc sân bay Biên Hòa đang diễn ra.

Hoa Kỳ đã cam kết khoảng 65 triệu USD trong 5 năm cho các chương trình hỗ trợ khuyết tật ở Việt Nam, và mới đây Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn gói kích thích kinh tế có giá trị 170 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong khi đó Ủy ban 701 về Khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học của Việt Nam, cơ quan quốc gia chỉ đạo các hoạt động liên quan đến hậu quả chiến tranh, làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ ở Quảng Trị và các tỉnh khác, để chia sẻ dữ liệu và thông tin kỹ thuật khác, và ủy ban cũng hợp tác chặt chẽ với Sứ quán Hoa Kỳ.

Sự hợp tác này là toàn diện và dựa trên sự trao đổi cởi mở về thông tin và công cụ để giúp hai bên cuối cùng “khép lại” hậu quả chiến tranh mà đã là một khuôn khổ mạnh mẽ – ngày nay là một điềm báo tích cực đem lại lợi ích cho cả hai chính phủ, và công dân của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý một di sản buồn, kéo dài mà cũng làm cho hai bên xích lại với nhau: vấn đề quân nhân mất tích trong chiến tranh, những người lính từ tất cả các bên mà hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy và chưa được hồi hương về gia đình hoặc quê hương của họ. Khi các cuộc thảo luận bắt đầu cuối thập niên 1980, với việc Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm các vị trí máy bay bị rơi hoặc các sự cố khác mà thi thể quân nhân Hoa Kỳ chưa được tìm thấy hoặc xác định, những người phản đối việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tin rằng đây sẽ là một “phá vỡ thỏa thuận”. Họ chắc rằng người Việt Nam, viện dẫn chủ quyền quốc gia và 300.000 quân nhân của mình mất tích trong chiến tranh, sẽ từ chối hợp tác. Việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ không thể xảy ra. Họ đã lầm như thế nào!

Các quan chức Việt Nam đồng ý cho phép quân nhân Hoa Kỳ đến và làm việc với các đội Việt Nam để tìm kiếm trên khắp đất nước hài cốt của phi công và quân nhân Hoa Kỳ khác, mà đã dẫn đến sự tôn trọng và tình hữu nghị ngày càng tăng giữa hai bên. Thay vì một rào chắn, vấn đề này đã trở thành một cây cầu hiểu biết và hợp tác.

Ngày nay, nỗ lực MIA tiếp tục, với công nghệ và phương pháp chung giữa hai bên, gồm nghiên cứu khoa học, và mỗi bên hỗ trợ bên kia trong nỗ lực hồi hương. Cách đây 25 năm không ai  nghĩ điều này lại sẽ xảy ra.

Chúng ta có thể cảm ơn các nhà lãnh đạo quảng đại của hai nước, sinh viên và cựu chiến binh, người dân bình thường có thiện chí. Nhiều người đã tham gia vào các chương trình giao lưu do Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoặc Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức, những người đã từ chối chấp nhận các rào cản vĩnh viễn giữa hai quốc gia của chúng ta.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và các đồng nghiệp của ông đã dẫn đầu phía Việt Nam trong sự hợp tác này, với sự lãnh đạo để bảo đảm sự hợp tác và xây dựng năng lực mới. Đại sứ Hoa Kỳ sắp kết thúc nhiệm kỳ Daniel Kritenbrink đã theo sát các bước đi của những vị tiền nhiệm của ông để đem lại mối hợp tác rộng lớn hơn và kết quả hữu hình trong nỗ lực chung của chúng ta để đạt được sự khép lại về hậu quả chiến tranh. Một đóng góp quan trọng qua nhiều năm đến từ Thượng nghị sĩ Patrick Leahy người đứng đầu Ủy ban Ngân sách đã bảo đảm nguồn tài trợ có sẵn để đáp ứng các thách thức này.

Chúng ta cũng có thể cảm ơn tinh thần cởi mở và rộng lượng của người Việt Nam, những người từ chối mang trong mình những hận thù cay đắng, những người luôn tìm kiếm mọi cách để dung hòa cựu thù. Là một tấm gương đáng mến cho thế giới, người Việt Nam lại trở thành bạn bè của người Mỹ một lần nữa, chia sẻ khát vọng tạo ra một tương lai an bình và thịnh vượng cho tất cả con cái của chúng ta – cuối cùng là, không còn bị ảnh hưởng bởi hậu quả bi thảm của cuộc chiến.


Chuck Searcy là một cựu chiến binh Lục quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, người đã sống và làm việc tại Việt Nam kể từ năm 1995. Ông là Chủ tịch tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình và Cố vấn Quốc tế Dự án RENEW.

Loading