Phóng sự – ghi chép của nhà báo Trương Quang Hiệp đăng trên Quảng Trị Online ngày 12/7/2023.
Đang ở độ tuổi hăm hở bước vào đời, một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi chân trái và những hy vọng về ngày mai tươi sáng trong lòng Hồ Văn Vũ (sinh năm 2005), trú tại thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. May mắn cho Vũ là trong tháng ngày đen tối nhất, em không đơn độc mà nhận được sự yêu thương, hỗ trợ từ nhiều người, đặc biệt là cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên Chương trình Phục hồi chức năng lưu động (P&O) thuộc Dự án RENEW.
Nỗi đau tuổi 18
Hồ Văn Vũ sinh ra trong một gia đình nghèo. Cuộc sống đầy những lo toan khiến Vũ phải học cách mưu sinh từ nhỏ. Hoàn thành chương trình lớp 11, trong khi bạn bè tự thưởng cho mình những giờ phút nghỉ ngơi, cậu đã bắt tay ngay vào việc đi làm thuê.
Vũ mong muốn có tiền để lo liệu những khoản thu nộp trong năm học mới, đỡ đần phần nào cho ba mẹ. Quyết tâm là vậy nhưng một vụ tai nạn giao thông đã khiến những mục tiêu, dự định của Vũ bị dập tắt.
Trong lúc đang cùng người chú đến nơi làm việc, chiếc xe chở Vũ va chạm với ô tô tải. Bánh xe đã cán nát chân trái của nam sinh người Vân Kiều. Giữa những cơn đau thấu tận tim gan, Vũ loáng thoáng nghe tiếng của bác sĩ: “Nếu không cắt chân, em ấy khó mà sống”.
Đến giờ, Hồ Văn Vũ vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn, bất lực khi thức dậy sau ca phẫu thuật. Nhìn xuống phía giường, thấy khoảng không dưới bắp chân mình, Vũ nấc lên thành tiếng. Bên cạnh giường bệnh của Vũ, ba mẹ luống cuống không biết phải nói gì, làm sao để xoa dịu nỗi đau của con. Cả hai người cắn chặt môi khi nghe Vũ hỏi: “Giờ con phải làm sao?”, “Đời con xem như bỏ rồi phải không ba mẹ?”…
Những ngày sau tai nạn trôi qua trong nặng nề đồi với Vũ. Rời bệnh viện trở về nhà, nỗi đau trong cậu vẫn không thể nguôi ngoai. Biết tin Vũ bị tai nạn nghiêm trọng, nhiều người đến thăm hỏi, động viên nhưng cậu bé người Vân Kiều không muốn gặp ai. Vũ sợ những ánh mắt cảm thông, chia sẻ dẫu biết mọi người thương và lo cho mình.
Từ đó, cuộc sống của cậu chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường nhà. Vũ không còn khái niệm thời gian, ngày tháng. Mỗi lần nhắc tới chuyện đến trường, đôi mắt Vũ ầng ậc nước. Vì thế, ai cũng tránh chạm vào nỗi đau của cậu.
Thắp lên hy vọng
Cuộc sống cứ nặng nề trôi cho đến một ngày đầu tháng 4/2023, khi đang ngồi trong căn nhà tồi tàn, đưa ánh mắt dõi theo chúng bạn đi học, cán bộ xã tìm đến gặp Vũ thông báo về việc có dự án từ miền xuôi lên hỗ trợ cho người khuyết tật. Nghe giữa chừng câu chuyện, Vũ để suy nghĩ của mình rong chơi đi nơi khác. Cậu cảm thấy không còn chút hy vọng gì.
Mọi chuyện thay đổi khi Vũ nhận được cuộc gọi của anh Đặng Quang Toàn, Quản lý Chương trình hỗ trợ nạn nhân, người khuyết tật thuộc Dự án RENEW. Qua lời kể của anh, Vũ mới biết có rất nhiều người đồng cảnh ngộ với mình. Điều quan trọng là họ đã đứng dậy sau biến cố khắc nghiệt của cuộc đời.
Niềm tin vừa được thắp lên trong Vũ thêm bừng sáng khi cậu trực tiếp gặp anh Toàn và các cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên Chương trình P&O của Dự án RENEW. Ai cũng nhiệt tình thăm hỏi, tư vấn và hỗ trợ cho Vũ. Thế nhưng, qua thăm khám, mọi người phát hiện chưa thể làm được chân giả cho Vũ vì xương ở mỏm cụt chân trái của Vũ cần phải được phẫu thuật. Như thế, cậu mới có thể mang chân giả mà không cảm thấy đau.
Nghe thông báo điều đó, người thân của Vũ đã buông xuôi. Biết về những ám ảnh mà Vũ từng trải qua, ba mẹ, anh chị cho rằng cậu không thể đủ mạnh mẽ về cả thể xác lẫn tinh thần để trở lại bệnh viện. Vì vậy, mọi người đều tránh động viên, khuyên nhủ Vũ. Không ai ngờ chính Vũ lại mở lời về việc bước vào ca phẫu thuật đó. “Con đã một lần mất đi hy vọng sống. Giờ đây, con không thể mất thêm một lần nữa”, Vũ nói như vậy.
Chỉ ít ngày sau đó, được sự hỗ trợ của Chương trình P&O, Vũ và người thân đã vào Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành can thiệp chuyên môn để cho Vũ có chiếc chân giả. Hôm thấy Vũ đứng lên trên chiếc chân giả, ông Hồ Văn Thành, ba Vũ đã khóc. Điện thoại về nhà, mẹ cậu là bà Hồ Thị Xa cũng nghẹn ngào. Biết ơn Dự án RENEW, Chương trình P&O và những người đã hỗ trợ mình, Vũ hứa sẽ cố gắng tập luyện, làm quen với chân giả để có thể sớm trở lại trường.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Chuyện trò về câu chuyện của Hồ Văn Vũ, anh Đặng Quang Toàn, Quản lý Chương trình hỗ trợ nạn nhân, người khuyết tật thuộc Dự án RENEW không giấu hết sự xúc động.
Nhiều năm gắn bó với dự án, anh Toàn cùng cộng sự đã tiếp xúc, hỗ trợ rất nhiều người khuyết tật. Vì thế, khi nghe câu chuyện về một nam sinh người Vân Kiều tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới, giúp ba mẹ vơi bớt nỗi lo toan, anh Toàn canh cánh trong lòng.
Đó là lý do thôi thúc anh điện thoại động viên Vũ. Trước đó, anh cũng tự hứa với lòng mình, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố làm thay đổi suy nghĩ của chàng trai vừa phải chịu quá nhiều tổn thương này.
Theo anh Toàn, Chương trình P&O của Dự án RENEW được thành lập và vận hành từ tháng 3/2008 do Cơ quan viện trợ Ireland, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ chính.
Thời gian qua, các cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của chương trình đã thực hiện thăm khám, cung cấp các dụng cụ chỉnh hình, thiết bị trợ giúp cho nhiều người khuyết tật nói chung và nạn nhân chiến tranh ở Quảng Trị nói riêng.
Nói về quy trình làm việc, anh Toàn cho biết: “Cán bộ các địa phương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc thông tin cho người khuyết tật đến tại các điểm tập trung để được hỗ trợ. Sau đó, đội ngũ kỹ thuật viên của chương trình sẽ tiến hành đo khám, lấy mẫu và chỉ định loại dụng cụ chỉnh hình. Người khuyết tật sẽ được thử dụng cụ chỉnh hình bảo đảm kỹ thuật và được bàn giao sau khi hoàn thiện khâu thẩm mỹ”.
Từ khi thành lập đến nay, Chương trình P&O của Dự án RENEW đã hỗ trợ gần 3.000 lượt người. Chương trình cung cấp nhiều loại dụng cụ chỉnh hình, thiết bị trợ giúp như: chân giả trên gối, chân giả dưới gối, tay giả, máng, nẹp, nạng, xe lăn, xe lắc… cho người khuyết tật.
Bên cạnh trợ giúp tại cộng đồng, Dự án RENEW còn hỗ trợ người khuyết tật nhận dụng cụ chỉnh hình tại Xưởng Chỉnh hình, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 4/2018 đến nay với 227 dụng cụ chỉnh hình được cấp.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình, thời gian qua, các cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên Chương trình P&O của Dự án RENEW đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Điều giúp họ giữ mãi quyết tâm là nhìn thấy những cuộc đời được thắp lên hy vọng, hồi sinh từ khổ đau.
Vì thế, những câu chuyện như của em Vũ thường được cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên chương trình nhắc đến với tất cả sự trìu mến, yêu thương.
Qua câu chuyện của Vũ và nhiều người khác, họ càng nỗ lực hơn trên hành trình vất vả nhưng đầy ý nghĩa của mình. Ở đó, không ai bị bỏ lại phía sau.