Home > Tin tức > Dự án lồng ghép khảo sát và rà phá bom mìn Quảng Trị

Bài viết của Jonathon Guthrie (Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy) và Portia Stratton (MAG) được đăng tải trên Tạp chí Vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và Hành động bom mìn, Số 19.1, Tháng Tư 2015, Đại học James Madison 

Các khảo sát trước đây ước tính khoảng 83% diện tích đất ở tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm bom mìn. Những tiến bộ gần đây trong quản lý thông tin và phương pháp hoạt động đã giảm đáng kể số liệu này. Bài viết này xem xét hoạt động phối hợp hiện đang được Nhóm Tư vấn Bom mìn (MAG) hợp tác với Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) triển khai và các yếu tố quan trọng liên quan trong việc thúc đẩy thành công tiến trình này.

Gần 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn còn được cho là có mức độ ô nhiễm bom mìn cao  trên thế giới. Trong tổng số ước tính 15 triệu tấn bom đạn được sử dụng trong chiến tranh, khoảng 10% không phát nổ. Hậu quả này tiếp tục đặt cộng đồng vào rủi ro và hạn chế việc sử dụng đất đai để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và phát triển cộng đồng. Bom chùm chiếm một lượng đáng kể trong diện tích ô nhiễm còn lại, và cùng với đạn M79, là nguyên nhân dẫn đến đa số thương vong cho dân thường.

Các nỗ lực rà phá sau chiến tranh quan trọng đã được triển khai bởi cả quân đội và các tổ chức phi chính phủ (NGO) sử dụng nguồn lực tài trợ từ ngân sách nhà nước cũng như của các nhà tài trợ, bao gồm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các chính phủ Đức, Ai-len, Nhật Bản, Na Uy và Vương quốc Anh. Đặc biệt xung quanh khu vực phi quân sự cũ, các nỗ lực của NGO tập trung vào các tỉnh ở miền trung Việt Nam, nơi được coi là bị ô nhiễm nhiều nhất trong cả nước.  Mặc dù vậy, không có cách thức đáng tin cậy để đánh giá mức độ và phạm vi diện tích ô nhiễm còn lại, một phần là do phương pháp khảo sát lạc hậu và hệ thống quản lý thông tin chưa được xây dựng.

Tuy nhiên trong hai năm vừa qua đã ghi  nhận tiến triển quan trọng trong việc xây dựng một chương trình khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia và trong việc điều phối các hoạt động xử lý bom mìn ở cấp tỉnh. Các tiến bộ này tạo ra cơ hội để thực hiện một phân tích chiến lược hơn về làm thế nào để giải quyết diện tích ô nhiễm còn lại ở Việt Nam.

Dự án Rà phá và Khảo sát lồng ghép Quảng Trị

Các tổ chức hành động bom mìn ở Quảng Trị trước đây hoạt động ở theo khu vực hành chính cấp huyện, với từng tổ chức hoạt động theo phương pháp làm việc riêng của mình. Sở Ngoại vụ, cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm điều phối các NGO hành động bom mìn quốc tế, giao huyện cho các tổ chức làm địa bàn hoạt động. Cả hai Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) và Nhóm Tư vấn Bom mìn (MAG) đều hoạt động ở miền trung Việt Nam. NPA, hoạt động ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và Triệu Phong, đã thí điểm và áp dụng Khảo sát Dấu vết Bom chùm (CMRS), trước đây do NPA Lào phát triển. Địa bàn hoạt động của MAG gồm các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tại đây MAG tập trung rà phá hỗ trợ các hoạt động phát triển và xử lý bom mìn lưu động đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp theo các tiến bộ đạt được trong hệ thống quản lý thông tin cấp tỉnh vào cuối năm 2013, NPA và MAG bắt đầu thảo luận các cơ hội phối hợp tiềm năng để tăng năng suất và hiệu quả quá trình giải phóng đất. Dữ liệu của NPA tạo ra từ phương pháp CMRS đã cung cấp thông tin các khu vực ô nhiễm chi tiết hơn trước đây từng có. Tuy nhiên, việc thiếu hoạt động rà phá tiếp theo làm giảm hiệu quả của thông tin khảo sát; không có bài học nào được rút ra để phản hồi và tiếp tục hoàn thiện công cụ khảo sát.

Hoạt động ở Quảng Trị nhiều năm, hai tổ chức đã xây dựng được đội ngũ nhân sự và thiết bị quan trọng cũng như mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện. Cùng với chính quyền tỉnh, MAG và NPA thảo luận ý tưởng các tổ chức triển khai thiết bị toàn tỉnh và hoạt động trên cơ sở hoạt động hơn là bị giới hạn bởi các huyện cụ thể. Trong đầu năm 2014, Sở Ngoại vụ cho phép MAG hoạt động ở huyện Triệu Phong để triển khai rà phá các khu vực khẳng định nguy hiểm nơi có bom chùm và  được tạo ra từ quá trình CMRS.

Nhân viên kỹ thuật của NPA và MAG tại hiện trường thảo luận bàn giao khu vực khẳng định nguy hiểm có bom chùm.

NPA và MAG tiếp tục làm việc với nhau để xây dựng phương pháp tiếp cận này. Việc thực hiện CMRS ở các huyện Triệu Phong và Cam Lộ đã cho phép NPA ước tính mức độ ô nhiễm bom chùm còn lại đang ảnh hưởng đến tỉnh. Dữ liệu cho thấy khoảng hơn 55km2 hoặc gần 1.2% tổng diện tích mặt đất bị ô nhiễm bom chùm và các vật liệu nổ khác, giảm đáng kể so với các ước tính của các cuộc khảo sát triển khai trước đây. Sử dụng số liệu ước tính này và dữ liệu từ thử nghiệm rà phá của MAG, NPA và MAG xây dựng một kế hoạch triển khai CMRS và rà phá tiếp theo tất cả các khu vực khẳng định nguy hiểm trong thời gian 5 năm.

Việc xây dựng dự án này ở Quảng Trị trở thành hiện thực bởi hai nguyên nhân chính. Sức mạnh của mối quan hệ đối tác giữa NPA, MAG và chính quyền tỉnh bảo đảm lòng tin và tính minh bạch giữa các tổ chức có liên quan. Thêm vào đó, việc thiết lập Trung tâm cơ sở dữ liệu cấp tỉnh (DBU) ở Quảng Trị trong năm 2013 làm đầu mối cung cấp thông tin về diện tích ô nhiễm do tỉnh quản lý.

Kết nối trực tuyến từ Hệ thống Quản lý Thông tin Hành động Bom mìn của tỉnh với ArcGIS cho thấy bom mìn được xử lý bởi các hoạt động rà phá lưu động và cố định.

 

Quan hệ đối tác và Chia sẻ thông tin. Quan hệ đối tác có hiệu quả và áp dụng cách tiếp cận phối hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm còn lại ở tỉnh Quảng Trị là nền tảng trên đó dự án này được xây dựng. Cho đến nay, MAG đã cung cấp phản hồi về kinh nghiệm rà phá khu vực khẳng định nguy hiểm của tổ chức mình cho NPA để phát triển và hoàn thiện phương pháp CMRS. Đổi lại, NPA đã có thể cải thiện phương pháp CMRS của mình để xác định một cách chính xác hơn khu vực khẳng định nguy hiểm. Trong quá trình xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả, MAG và NPA đã tạo ra một cơ hội cho các tổ chức và đối tác hoạt động khác bắt đầu tham gia, thiết lập một mô hình hợp tác làm chuẩn cho tỉnh Quảng Trị. Các tổ chức cũng thảo luận làm thế nào để chia sẻ các trang thiết bị cơ giới đắt tiền để tăng giá trị tiền của các nhà tài trợ.

Quản lý Thông tin và Cải thiện truyền thông. Trung tâm cơ sở dữ liệu được thiết lập ở Quảng Trị năm 2013, đưa vào hoạt động đầy đủ vào tháng 10 năm 2013. Trước đây, các tổ chức duy trì cơ sở dữ liệu của mình với các định dạng báo cáo riêng biệt. Do vậy, không thể có được một bức tranh toàn tỉnh về hoạt động khảo sát và rà phá đã được thực hiện. Bây giờ tất cả các tổ chức hàng tháng cung cấp thông tin theo định dạng chuẩn hóa cho Trung tâm cơ sở dữ liệu. Đổi lại, các tổ chức nhận được một phiên bản cập nhật dữ liệu hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị. Điều này đã cho phép NPA và MAG lập bản đồ, phân tích và ước tính mức độ ô nhiễm tổng thể trong phạm vi toàn tỉnh.

Trung tâm cơ sở dữ liệu cũng cung cấp cho MAC tất cả thông tin liên quan về khu vực khẳng định nguy hiểm mà họ sẽ rà phá. Sáng kiến này là mấu chốt của chương trình hợp tác của NPA và MAG, bảo đảm dữ liệu hoạt động và khảo sát trên toàn tỉnh dễ tiếp cận và minh bạch. Việc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu góp phần chứng minh cho chính quyền tỉnh về làm thế nào các tổ chức có thể điều phối phối và hợp tác, và cuối cùng dẫn đến phê duyệt  một văn bản thỏa thuận hoạt động toàn tỉnh cho cả hai tổ chức MAG và NPA.

Hướng đến tương lai

Dự án này chứng minh một cách tiếp cận mới đối với khảo sát và rà phá ở Việt Nam. Dự án được xây dựng trên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và đặt trọng tâm lên vai trò quan trọng của quản lý thông tin. Kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức hoạt động, các yếu tố này đã thúc đẩy việc rà phá có hiệu quả và mục tiêu ở Quảng Trị, tối đa hóa kết quả đầu ra, giảm tác động của ô nhiễm bom mìn và cải thiện thành công của chương trình. MAG và NPA có ý định tiếp tục tài liệu hóa và phân tích tiến độ của dự án, và sẽ tiếp tục chia sẻ bài học kinh nghiệm để tạo ra một mô hình thành công cho việc rà phá diện tích ô nhiễm bom mìn còn lại ở miền trung Việt Nam.

Loading