Home > Tin tức > Diệu Linh – người sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam

Bài phỏng vấn Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Chương trình của NPA Việt Nam tại Dự án RENEW, đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, ngày 13/4/2021

QĐND – Hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn (KPHQBM), Nguyễn Thị Diệu Linh, Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị, thuộc Quỹ hỗ trợ nhân dân Na Uy (NPA) và đồng nghiệp đã xử lý hàng tấn vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh với mong muốn trả lại màu xanh cho vùng “đất chết”.

Tôi gặp Diệu Linh bên lề Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” diễn ra gần đây tại Hà Nội. Linh là một trong 3 đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận.

Nói chuyện cởi mở, Diệu Linh kể, cô sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, mảnh đất từng hứng chịu những trận bom kinh hoàng của quân đội Mỹ trong chiến tranh. Vì thế, khi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực KPHQBM năm 2009, Diệu Linh coi công việc này như một duyên nợ. “Một trong những điều mà tôi học được khi làm phiên dịch chính là ảnh hưởng lâu dài của vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng vật nổ vẫn được tìm thấy ở đồng ruộng, trường học hay khu dân cư. Tôi nhận ra rằng, những vật lạ mà chúng tôi nhặt được và đem ra chơi hồi nhỏ chính là lựu đạn. Nhưng không phải ai cũng may mắn như chúng tôi. Từ năm 1975 đến nay, gần 3.500 người chết và hơn 5.000 người bị thương bởi vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị”, Diệu Linh nghẹn ngào nói.

Nguyễn Thị Diệu Linh phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tối 8-4 vừa qua. Ảnh: TUẤN ANH

Từ một phiên dịch, Diệu Linh trở thành cán bộ hoạt động hiện trường, rồi đảm nhiệm cương vị quản lý hiện trường vào năm 2015. Hiện nay, cô là Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 300 nhân viên. Hằng ngày, thành viên trong đội đi đến các làng tìm kiếm và tiêu hủy những vật nổ còn sót lại sau chiến tranh với mong muốn trả lại màu xanh cho vùng “đất chết”.

Nói về các thành viên trong đội của mình, cô gái nhỏ nhắn không khỏi tự hào: “Trước đây, mọi người thường nghĩ, rà phá bom mìn (RPBM) là công việc của đàn ông, vì thế phụ nữ chủ yếu làm công việc y tế trên thực địa. Ngày nay, phụ nữ làm nhiệm vụ RPBM chiếm tỷ lệ 30% và giữ nhiều vị trí trong các tổ chức KPHQBM, từ giám đốc quốc gia, quản lý chương trình, lãnh đạo các nhóm đến nhân viên tìm kiếm và y tế. Để thực hiện tốt công việc này, các nữ nhân viên được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật RPBM. Tôi rất tự hào là một trong những người sáng lập đội nữ rà phá mìn đầu tiên ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, phụ nữ có thể làm công việc RPBM như đàn ông. Hơn nữa, họ còn khẳng định vai trò quan trọng và cần thiết trong lĩnh vực KPHQBM cũng như trong chương trình nghị sự lớn hơn về hòa bình và an ninh”, Diệu Linh chia sẻ.

“Có lúc nào chị cảm thấy sợ khi hằng ngày phải đối mặt với nguy hiểm rình rập từ các vật liệu chưa nổ?”. Nữ quản lý, sinh năm 1983, mỉm cười, lắc đầu trước câu hỏi này. Diệu Linh cho biết, cách đây vài năm, một vụ tai nạn bom mìn đáng tiếc xảy ra, cướp đi sinh mạng một đội trưởng khảo sát kỹ thuật. Tuy rất sốc nhưng cô vẫn giữ được bình tĩnh, xử lý tình huống kịp thời.

Những năm gần đây, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, quân đội, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế, ở Quảng Trị đã có hơn 600 làng được rà soát, 21 triệu mét vuông đất được làm sạch bom, mìn và gần 900.000 người, trong đó có hơn 300.000 phụ nữ và trẻ em gái đã được hỗ trợ trực tiếp. Hằng ngày, đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quân đội vẫn đi đến từng làng để bảo đảm hoạt động rà soát và loại bỏ vật nổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Diệu Linh không ngần ngại nêu những khuyến nghị mà cô tin sẽ giúp hoạt động KPHQBM được triển khai hiệu quả hơn. Đó là: Nâng cao năng lực quốc gia và tính làm chủ quốc gia để bảo đảm được thành công lâu dài của hoạt động KPHQBM; các chủ thể KPHQBM ở cấp quốc gia cũng như quốc tế cần phải phối hợp chặt chẽ; cộng đồng quốc tế có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm chuyên môn của các nước chịu ảnh hưởng lâu dài bởi bom, mìn; sự tham gia của phụ nữ trong mọi khía cạnh của KPHQBM cần được thúc đẩy và tăng cường. “Tôi hy vọng hoạt động KPHQBM tiếp tục được nằm trong chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế và những kiến nghị của tôi sẽ được xem xét kỹ để người dân các nước bị ảnh hưởng bởi bom, mìn có thể sống an toàn, công cuộc phát triển đất nước không bị hạn chế bởi những vật nổ”, Diệu Linh kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay của các đại biểu quốc tế tham dự phiên thảo luận.

LINH OANH


Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập năm 2001, có sứ mệnh phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 và phối hợp với chính quyền trung ương và cấp tỉnh thực hiện các dự án xây dựng năng lực, khảo sát và rà phá ở Hà Nội, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình.

Loading