Home > Tin tức > Điều khoản tham chiếu đánh giá kết thúc dự án

Quảng Trị, ngày 01 tháng 7 năm 2019

Dự án RENEW kính mời các ứng viên đủ kinh nghiệm và năng lực gửi đề xuất đánh giá kết thúc dự án Chương trình Giáo dục Nguy cơ Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân – Người khuyết tật thuộc Dự án RENEW theo điều khoản tham chiếu sau:

Dự án:  Bao gồm Hợp phần 1: “Mạng lưới Báo cáo bom mìn dựa vào Cộng đồng/Chương trình Giáo dục Nguy cơ bom mìn nhằm hỗ trợ các hoạt động thu gom và xử lý bom mìn lưu động và khảo sát kỹ thuật” và Hợp phần 2: Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của người khuyết tật và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người khuyết tật”.

Phương pháp : Đánh giá độc lập

Địa điểm thực hiện: Tỉnh Quảng Trị

Báo cáo cho: Văn phòng Điều phối Dự án RENEW

Thời gian: Từ khi triển khai đến ngày 31 tháng 8 năm 2019


Mô tả tóm tắt và mục đích

Dự án “Phục hồi Môi trường và Khắc phục Hậu quả chiến tranh” (Dự án RENEW) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bắt đầu triển khai từ năm 2001. Gần đây dự án đã được Văn phòng Chính phủ phê duyệt tiếp nhận tại Công văn số 3600/VPCP-QHQT ngày 20/05/2015 là dự án tiếp cận khá toàn diện nhằm giải quyết những hậu quả do bom mìn, vật liệu nổ chưa nổ sau chiến tranh. Dự án đã giành được sự tín nhiệm và đánh giá cao về hiệu quả của người dân, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng quốc tế thông qua việc lồng ghép tất cả các yếu tố của một chương trình hành động bom mìn theo mô hình điều phối, hỗ trợ lẫn nhau bao gồm: Giáo dục Nguy cơ Bom mìn, Hỗ trợ Nạn nhân, Khảo sát và Rà phá bom mìn, Hỗ trợ phát triển sau rà phá và thông tin hỗ trợ công tác điều phối các hoạt động bom mìn.

Dự án RENEW được các tổ chức NGOs và cơ quan chính phủ Việt Nam đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất để giải quyết hậu quả chiến tranh kể từ khi các NGO quốc tế tham gia vào hoạt động này từ năm 1996. 

Chương trình Hỗ trợ nạn nhân – Giáo dục Nguy cơ Bom mìn được hình thành ngay khi Dự án RENEW thành lập với các hoạt động hỗ trợ nạn nhân chiến tranh nói riêng và người khuyết tật nói chung được phối hợp thực hiện bởi chính quyền địa phương và các tổ chức hội. 

Sau 4 năm thực hiện hợp phần “Mạng lưới Báo cáo bom mìn dựa vào Cộng đồng/Chương trình Giáo dục Nguy cơ bom mìn nhằm hỗ trợ các hoạt động xử lý bom mìn lưu động và khảo sát kỹ thuật” từ 2015-2019 và 3 năm thực hiện hợp phần “Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của người khuyết tật và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người khuyết tật” từ 2016 – 2019 do Cơ quan Viện trợ Ireland (IA) tài trợ, Dự án sẽ tiến hành công tác đánh giá cuối kỳ cho 2 hợp phần trên.

Đánh giá cuối kỳ, là một trong những hoạt động được Cơ quan Viện trợ Ireland yêu cầu thực hiện để đánh giá kết quả hoạt động của các hợp phần về kết quả dự định của nó. Đánh giá đánh giá mức độ phù hợp của kết quả đầu ra và kết quả của dự án với các mục tiêu của dự án, cũng như mọi mục tiêu cấp cao hơn (ví dụ: mục tiêu chiến lược của Đại sứ quán Ireland), và hiệu quả của chiến lược dự án. Đánh giá cũng được sử dụng để xác định tác động lâu dài và tính bền vững của dự án; giá trị của kết quả đối với những người thụ hưởng dự định, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Đánh giá mức độ can thiệp phát triển và phương thức thực hiện được xem là thành công hay chưa thành công và lý do tại sao để giúp đơn vị tài trợ đưa ra quyết định và chính sách của mình nhằm mục đích tăng mức độ phù hợp và hiệu quả của hỗ trợ phát triển.

1. Cơ sở dự án:

Trong khuôn khổ hợp phần “Giáo dục Nguy cơ bom mìn/Mạng lưới báo cáo bom mìn dựa vào cộng đồng nhằm hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý bom mìn lưu động và hoạt động khảo sát kỹ thuật. Hợp phần này có hai (02) mục tiêu chính sau:

1.1. Hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả và với chi phí hiệu quả hoạt động gom nhặt và xử lý bom mìn lưu động và khảo sát kỹ thuật thông qua việc cung cấp thông tin về bom mìn liên quan một cách chính xác với việc duy trì mạng lưới báo cáo dự vào cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh, ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ;

1.2. Giảm thiểu và tiến đến loại bỏ hoàn toàn tai nạn liên quan đến bom chùm, các loại vậ liệu chưa nổ khác đối với trẻ em và người lớn thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng chia sẽ và báo thông tin liên quan đến bom mìn, phát hiện bom mìn để kịp thời xử lý an toàn.

Hợp phần này bao gồm các hoạt động:

Hoạt động 1: Tiếp tục duy trì các hoạt động giáo dục, mạng lưới báo cáo cộng đồng tại 05 huyện, thị xã và thành phố bao gồm gồm huyện Triệu Phong, Thành phố Đông Hà, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ.

Hoạt động 2: Triển khai hoạt động truyền thông phòng tránh bom mìn thông qua hoạt động ngoại khóa tour tham quan tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

Hoạt động 3: Tổ chức hoạt động truyền thông giáo dục phòng tránh bom mìn thông qua hoạt động Ngoại khóa Ngày an toàn tại trường học bằng các hình thức sân khấu hóa, lồng ghép biểu diễn văn nghệ, kịch…vv.

Hoạt động 4: Tổ chức hoạt động truyền thông phòng tránh bom mìn lồng ghép vào các hoạt động bóng đá không cạnh tranh tại cộng đồng và tại các trường học.

Hoạt động 5: Tổ chức Hội trại Kỹ năng với chủ đề phòng tránh bom mìn tại 05 đơn vị bao gồm huyện Triệu Phong, Thành phố Đông Hà, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ.

Trong khuôn khổ hợp phần “Đẩy mạnh việc thực hiện các quyền của người khuyết tật và cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người khuyết tật”. Hợp phần này có hai (02) mục tiêu chính sau:

1.3. Nâng cao nhận thức cho người khuyết tật (NKT) thông qua việc phổ biến Luật về người tàn tật tại cộng đồng và thu hút sự quan tâm của xã hội trong việc giúp đỡ NKT.

1.4. Tạo cơ hội cho NKT được tham gia đào tạo nghề; các gia đình có NKT có cơ hội tham gia các chương trình tăng thu nhập và NKT có thể tiếp cận với dịch vụ chương trình phục hồi chứ năng lưu động tại cộng đồng.

Hợp phần này bao gồm các hoạt động:

Hoạt động 1: Nâng cao nhận thức của NKT thông qua tổ chức các sự kiện để phổ biến luật của NKT bằng cách đẩy mạnh việc thực hiện quyền của NKT và cung cấp các dịch vụ dành cho NKT nhằm cải thiện đời sống cho NKT.

Hoạt động 2: Thực hiện hỗ trợ chương trình phục hồi chức năng lưu động cho NKT, cung cấp các loại dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ hỗ trợ cho NKT khó khăn có cơ hội phục hồi chức năng và tái hòa nhập.

Hoạt động 3: Những NKT trong độ tuổi lao động sẽ có cơ hội học nghề và tạo việc làm phù hợp.

Hoạt động 4: Tạo cơ hội cho gia đình có NKT có điều kiện kinh tế khó khăn tham gia phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. 

Hoạt động 5: Triển khai các buổi thi kiến thức về Luật dành cho NKT trên địa bàn tỉnh.

Dự án RENEW có nhu cầu thuê đơn vị tư vấn để tiến hành đánh giá kết quả dự án, trên cơ sở đó đưa ra các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đề xuất nhằm đảm bảo tính bền vững kết quả dự án và các giá trị mà dự án mang lại cho đối tượng mục tiêu, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội.

2. Mục tiêu của Đánh giá

Đánh giá độc lập từ bên ngoài nhằm đo lường tính hiệu quả, tác động mang lại theo khung kết quả của dự án đã đề ra đồng thời rút ra những bài học, kinh nghiệm thực tiễn để cải thiện hiệu quả của dự án và giúp nhà tài trợ có cơ sở xem xét, đánh giá và đưa ra các quyết định liên quan đối với dự án trong giai đoạn tiếp theo. Các mục tiêu cụ thể của bản Đánh giá kết thúc dự án như sau:

  • Đánh giá tính hiệu quả của dự án, tính hiệu quả về chi phí và tác động mang lại trên cơ sở các khung chỉ số và mục tiêu dự án đã đề ra.
  • Đánh giá các giá trị của các kết quả dự án mang lại cho đối tượng hưởng lợi , đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội.
  • Đánh giá tính bền vững của các kết quả dự án và phương thức tiếp cận.
  • Rút ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị duy trì các kết quả của dự án nhằm cải thiện hiệu quả, tác động và khả năng nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.

3. Phạm vi của Đánh giá

1. Tính phù hợp của dự án: Gồm những câu hỏi phụ sau:

  • Tính tương thích của chiến lược dự án đối với chính sách và luật pháp của Việt Nam như thế nào?
  •  Những tương thích và giá trị mang lại của những chiến lược và phương pháp khác nhau của dự án để đạt được kết quả dự án.

2. Tính hiệu quả của dự án:

  • Ở mức độ nào các kết quả đã đạt được so với các mục tiêu dự án đề ra trong khung lôgic?  
  • Các chiến lược và phương pháp tiếp cận dự án có hiệu quả trong việc đạt được kết quả so với các kết quả ở mức độ nào?

3. Tính hiệu quả về chi phí: Xem xét đến các chi phí của dự án có thỏa đáng với các kết quả bao gồm các thay đổi trong quá trình triển khai dự án.

4. Tác động dự án: Đánh giá các hiệu quả lâu dài của dự án cả về khía cạnh tích cực và tiêu cực, sự liên quan đến mục tiêu  chính của dự án.

5. Tính bền vững các kết quả dự án: Xem xét các yếu tố bên trong và bên ngoài dự án quyết định đến tính bền vững của dự án và các nhân tố này được giải quyết như thế nào?

6. Khả năng nhân rộng: Đánh giá nhằm đưa ra quyết định khả năng chia sẽ bài học kinh nghiệm thực tiễn, mô hình dự án ra các địa phương, lĩnh vực hoặc nhóm đối tượng mục tiêu khác hay không. 

Ngoài ra, đánh giá cũng cần xem xét đến các rủi ro được nhận diện trong đề xuất dự án và trong quá trình thực hiện dự án và các biện pháp quản lý rủi ro để để giảm thiểu hoặc để loại bỏ các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả của dự án.

4. Phương pháp tiếp cận

Đánh giá được khuyến nghị sử dụng các phương thức và cách tiếp cận khác nhau thông qua việc sử dụng, phân tích nguồn dữ liệu sẵn có và dữ liệu thứ cấp.

Nguồn dữ liệu sẵn có bao gồm dữ liệu về số lượng và chất lượng từ:

  • Các phỏng vấn với nhóm thảo luận tập trung với các bên liên quan bao gồm người hưởng lợi, nhân viên dự án, bộ phận quản lý, quan chức chính quyền địa phương, đối tác thực hiện…vv.
  • Tối thiểu 02 câu chuyện điển hình.

Nguồn dữ liệu thứ cấp bao gồm các nguồn dữ liệu sẵn có gồm báo cáo dự án, chính sách, quy trình, dữ liệu từ Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh…vv.

Đánh giá kết thúc dự án được khuyến khích theo phương pháp có sự tham gia, bao gồm đại diện của của các bên liên quan và chính quyền địa phương có tham gia thực hiện dự án.

5. Kết quả và sản phẩm bàn giao

Các kết quả và sản phẩm bàn giao của bản Đánh giá kết thúc dự án bao gồm:

  • Quy trình đánh giá bao gồm phương pháp, quy mô, công cụ thu thập thông tin, kế hoạch công việc thực địa, kế hoạch kiểm soát chất lượng…vv.
  • Dữ liệu và tài liệu liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá bằng bản mềm, bản gốc các báo cáo, mẫu phỏng vấn hoàn thiện (bản mềm hoặc bản cứng)…
  • Báo cáo trình bày về các phát hiện chính với Dự án RENEW, nêu rõ sự hỗ trợ của IA đối với sứ mệnh chung của dự án và chiến lược hành động mìn của tỉnh, đưa ra các khuyến nghị và đề xuất từ các bên liên quan.
  • Báo cáo Đánh giá kết thúc dự án trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh (trong đó tiếng Việt là ngôn ngữ chính làm cơ sở nội dung đánh giá) độ dài không quá 20 trang cộng thêm phụ lục.

6. Tiêu chí lựa chọn

Ứng viên/đơn vị/ tổ chức đánh giá có thể là đơn vị trong nước hoặc quốc tế hoạt động tại Việt Nam với kiến thức và kinh nghiệm làm việc phù hợp.

  • Có đủ năng lực, kinh nghiệm đã được chứng thực về quản lý và đánh gia dự án
  • Có đủ tư cách pháp nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp/chứng nhận và được pháp luật Việt Nam chấp thuận.
  • Có kinh nghiệm liên quan đến các dự án đánh giá quản lý dựa vào kết quả.
  • Có kỹ năng phân tích và kỹ năng truyền thông bằng văn bản thuần thục về tiếng Anh
  • Có sự hiểu biết về phương thức tiếp cận của chương trình và mối quan hệ giữa các tổ chức phi chính phủ (NGOs), chính quyền địa phương và nhà tài trợ.
  • Có kiến thức và kinh nghiệm về bối cảnh về hoạt động hành động bom mìn và hộ trợ người khuyết tật tại Việt Nam và quốc tế là một lợi thế.

7. Ngân sách và thời gian thực hiện đánh giá:

Ngân sách chi trả cho đánh giá cuối kỳ sẽ được Cơ quan viện trợ Ireland xem xét phê duyệt, dựa trên đề nghị điều chỉnh của Dự án RENEW từ ngân sách hiện tại của 2 hợp phần và dựa trên bảng tổng hợp các đề xuất đánh giá từ các đơn vị tư vấn. Dự án RENEW sẽ triển khai ngay sau khi có ý kiến phê duyệt của Cơ quan viện trợ Ireland.

Chi phí đánh giá sẽ được áp dụng theo mức có thể chi trả nhưng không vượt các chi tiết theo “Hướng dẫn tài chính của UN-EU cho chi phí địa phương trong chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam” phiên bản 2015.

Đánh giá dự kiến bắt đầu triển khai từ ngày 25 tháng 7 năm 2019 và kết thúc vào giữa tháng 8 năm 2019. Báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thiện và gửi Dự án RENEW vào ngày 31 tháng 8 năm 2019.

8. Thông tin gửi hồ sơ:

Các ứng viên/đơn vị/ tổ chức có quan tâm vui lòng gửi hồ sơ đề xuất đánh giá dự án đến email: projectrenewvietnam@gmail.com. Hạn chót nhận hồ sơ trước ngày 12 tháng 7 năm 2019. Hồ sơ bao gồm:

  • Bản Kế hoạch về phương pháp và công cụ tiếp cận của hoạt động đánh giá đề xuất.
  • Hồ sơ năng lực của ứng viên/đơn vị/ tổ chức.
  • Báo giá chi tiết trên đó nêu rõ số ngày và định mức theo ngày cho tư vấn viên.

Chỉ những ứng viên/đơn vị/ tổ chức đáp ứng các yêu cầu nêu ở trên và có chi phí thực hiện đánh giá phù hợp với ngân sách dự án sẽ được liên hệ để triển khai thực hiện đánh giá.

Những ứng viên/đơn vị/ tổ chức tư vấn quan tâm xin gửi hồ sơ năng lực và phí tư vấn đề xuất trên cơ sở điều khoản tham chiếu về địa chỉ sau:

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI DỰ ÁN RENEW, Trung tâm Phục vụ đối ngoại tỉnh Quảng Trị. Kiệt 185 – Đường Lý Thường Kiệt, thành phố Đông Hà – tỉnh Quảng Trị. Điện thoại: +84 233 3858445. Fax: +84 233 3858442. Email:  projectrenewvietnam@gmail.com          


Dự án RENEW là chương trình hợp tác  giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập năm 2001. Dự án có sứ mệnh phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh với trọng tâm giải quyết bom mìn chưa nổ.

Loading