Giữa tháng 11 năm 2015, ông Phạm Quang Hải, một người khuyết tật 75 tuổi ở xã Gio Phong, được thông báo đội lưu động Dự án RENEW sẽ nơi ông sinh sống cùng với các kỹ thuật viên để cung cấp chân, tay giả cho người khuyết tật. Ông tự hỏi liệu mình có thể được giúp đỡ.
Vào năm 1985, khi ông cùng với một số nông dân khai hoang đất để canh tác, Hải giẫm phải một quả mìn.
Sau đó ông nhận được một chân giả và sử dụng nó trong vòng 8 năm qua. Nhưng hiện giờ cái chân giả đã cũ và hư hỏng, nó không còn hoạt động tốt và gây đau đớn cho mỏm cụt của ông.
Vì thế khi ông Hải biết đội Phục hồi chức năng (PHCN) của Dự án RENEW đang đến Trung tâm Y tế thị trấn Gio Linh, ông đăng ký để được khám. Là nạn nhân chiến tranh, ông Hải có đủ điều kiện để nhận được dịch vụ miễn phí do Dự án RENEW cung cấp.
Nhân viên PHCN của RENEW khám chân cụt của ông Hải. Họ đo cẩn thận và đúc khuôn phần mỏm cụt. Họ hứa sẽ thông báo cho ông biết trong vòng hai tuần tới khi đội quay lại Gio Linh. Trong lần trở lại thứ hai chưa đầy hai tuần sau đó, đội PHCN cho ông một chân giả mới để ông mang thử. Họ lưu ý các điểm cần điều chỉnh và cho ông Hải biết đội sẽ quay lại lần thứ ba để bàn giao chân giả hoàn thiện.
Một nạn nhân bom mìn khác, ông Nguyễn Thúc Sinh, sinh năm 1959, cũng được nhận một chân giả mới. Như ông Hải, ông Sinh không may làm nổ một quả mìn trong khi khai hoang đất canh tác. Tai nạn xảy ra năm 1992 khi ông giẫm phải một quả mìn nhảy M16, mà lính Mỹ còn gọi là “Bouncing Betty”. Vụ nổ làm ông cụt tay trái và chân trái. Địa điểm tai nạn ở khu vực Dốc Miếu, từng là một trong những khu vực giao tranh ác liệt trong chiến tranh và bị ô nhiễm bom mìn nặng nề. 15 năm trước ông Sinh nhận được một chân giả nhưng hiện giờ thiết bị chức năng này hư hỏng nặng và gây đau đớn cho ông. Chân giả bị xuống cấp đến nỗi ông phải dùng dây buộc vào đầu gối của mình. Chỉ vì còn một tay, ông phải dùng răng để kéo chặt dây buộc.Chuyến thăm lần hai đến Trung tâm Y tế Gio Linh là bước tiếp theo trong quy trình, để cho các nạn nhân mang thử chân, tay giả được sản xuất theo khuôn đúc bằng thạch cao. Ông Hải và ông Sinh được cho thử thiết bị PHCN mới của mình để kiểm tra xem chúng có vừa vặn với mỏm cụt. Cả hai ông đều cảm thấy thoải mái nên nhân viên PHCN quay lại Đà Nẵng để hoàn thiện lần cuối.
Sau cùng vào ngày 2/12/2015, đội PHCN quay lại Gio Linh lần cuối, bàn giao chân giả mới cho ông Hải, ông Sinh và các nạn nhân khác. Sau khi mặc vào các thiết bị PHCN, toàn bộ đối tượng thụ hưởng được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn để sử dụng có hiệu quả.
Chân, tay giải giúp làm cho cuộc sống của các nạn nhân tốt hơn, cung cấp cho họ phương tiện để được tự lập và tái hòa nhập xã hội. Tính chuyên nghiệp và sự cam kết bảo đảm chất lượng của đội PHCN, thông qua quy trình ba giai đoạn từ hai đến ba tuần, giúp giải thích tại sao người dân đánh giá cao nỗ lực nhân đạo này và đội ngũ nhân viên thưc hiện.
Kể từ năm 2008, hơn 1.000 người khuyết tật ở tỉnh Quảng Trị được nhận chân tay giả từ chương trình PHCN lưu động của RENEW. Vẫn còn 1.100 người khác đang cần đến loại hình hỗ trợ này.
Theo ông Đặng Quan Toàn, Quản lý Hỗ trợ nạn nhân của Dự án RENEW, hầu hết người khuyết tật nghèo, không thể chi trả chi phí mua chân, tay giả. “Đội chúng tôi đã gặp nhiều người khuyệt tật đến để được khám mà không có chân giả phù hợp, vì thế họ đi lại với chân giả tự chế từ các vật liệu dễ kiếm như gỗ, tre,” ông Toàn cho biết.
Chân giả cũng phải được thay thế. Đối với người lớn, cứ ba năm một lần họ cần được thay chân giả mới vì sự thay đổi về hình dạng và kích cỡ mỏm cụt và chân giả thường xuống cấp sau thời gian sử dụng. Đối với trẻ em, chân giả thường phải được thay mới sau mỗi năm vì trẻ em lớn nhanh.
Được tài trợ ban đầu bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và sau đó chính phủ Na Uy, chương trình PHCN lưu động của RENEW hiện đang được các cựu chiến binh Mỹ và các nhà tài trợ cá nhân tài trợ. Trong năm 2015, khi Bộ Ngoại giao Mỹ tập trung tăng ngân sách cho hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn của RENEW, một nhóm nhà tài trợ có tên gọi “Những người bạn của RENEW” giúp tiếp tục chương trình PHCN lưu động.
Ông David Wells, một cựu chiến binh Mỹ và luật sư về hưu đang sinh sống ở Luân Đôn, và tổ chức Chino Cienega đã có nhiều đóng góp hảo tâm để giúp chương trình PHCN tiếp tục không có gián đoạn. Trong năm nay đã có 131 nạn nhân bom mìn và người khuyết tật nhận được thiết bị PHCN. Bên cạnh đó, hai cán bộ kỹ thuật hiện đang theo học khóa một PHCN một năm ở Hà Nội để sau này sẽ giúp bệnh viện tỉnh duy trì dịch vụ PHCN lâu dài.
Trong khi đó, Dự án RENEW tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ từ những cá nhân và tổ chức có quan tâm. Nhờ vào sự đóng góp hảo tâm của Những người bạn của RENEW, cựu chiến binh Mỹ và các người Mỹ thiện chí, các nạn nhân chiến tranh như ông Sinh và ông Hải nhận được chân giả họ cần để sống tốt hơn, tự lập và hòa nhập xã hội hơn.