Đakrông, Quảng Trị, 12/02/2010
Sẽ không có Tết Nguyên đán năm nay cho gia đình anh Hồ Văn Nguyên. Một quả bom bi phát nổ đã giết chết anh Nguyên sáng thứ Sáu ngày 12/02/2010 trong lúc anh đang phát cỏ trong vườn chuối và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của Việt Nam sẽ bắt đầu vào sáng thứ Bảy hôm sau.
[clear]
Vụ tai nạn xảy ra ở thôn Mai Lãnh, xã Mò Ó thuộc huyện Đakrông phía Tây tỉnh Quảng Trị, dọc theo Khu phi quân sự trong thời gian chiến tranh.
Người đàn ông xấu số 40 tuổi, là cha của 6 đứa con gái, ra khỏi nhà sau bữa ăn sáng hôm thứ Sáu. Vợ Nguyên nói anh mang theo dụng cụ nhà nông thường ngày của mình, đó là một cây rựa. Khoảng 10 giờ 30, một tiếng nổ phát ra từ nương rẫy của nhà anh Nguyên bên sườn đồi dọc theo dòng sông Đakrông. Rất có thể anh Nguyên đã dùng rựa phát cỏ quanh gốc chuối và phát trúng một quả bom bi. Khu vực anh đang trồng chuối là vùng sản xuất nông nghiệp khá rộng của hơn một nửa dân số trong số 1.800 người Vân Kiều sống ở thị trấn Krông Klang . Chuối, sắn và ngô là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Ông Hồ Văn Hồi, chú của nạn nhân, nghe tiếng nổ và chạy ngay đến hiện trường vụ tai nạn. Khi ông đến nơi, đứa cháu trai đã chết nằm trên mặt đất với hai bàn tay nát bét, mắt bị phá hủy nặng và da lỗ chỗ vết thương từ ngực lên đến mặt.
Ngay ngày giáp Tết, cái chết thương tâm của Nguyên đột ngột đẩy gia đình nạn nhân vào tình trạng khốn khó. Người vợ và sáu đứa con gái mà đứa nhỏ nhất mới chỉ ba tuổi, đang choáng váng và đau khổ, trước mắt họ là một tương lai mờ mịt. Bi kịch của gia đình nạn nhân, bên cạnh sự đau khổ tột cùng vì mất người thân, còn là sự mất đi người lao động chính duy nhất của họ, người còn gánh trên vai trách nhiệm nuôi bố mẹ già.
“Tôi lấy vợ hai lần mà chỉ có mỗi một mụn con trai”, bố anh Nguyên, ông Hồ Văn Mông than khóc. Ông Mông là một du kích trong chiến tranh. “Làm sao tôi sống nổi khi mất nó đây?”.
Thông tin vụ tai nạn nhanh chóng được nhân viên Dự án RENEW chuyển cho tổ chức CPI (Clear Path International) và PTVN (Peace Trees Viet Nam), đó là hai tổ chức hoạt động ở Quảng Trị, chuyên hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân bom mìn và gia đình. PTVN còn triển khai một đội Gom nhặt phá hủy lưu động (EOD) ở huyện Đakrông từ tháng 09 năm 2009.
“Đội lưu động của chúng tôi đã phá hủy hàng ngày bom mìn vật nổ từ khi triển khai ở huyện Đakrông”. Cô Phạm Thị Hoàng Hà, Giám đốc Dự án PTVN ở Việt Nam, cho biết. “Tuy nhiên, còn rất nhiều bom mìn vật nổ sót lại cần phải giải quyết”.
Theo một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của bom mìn vật nổ sau chiến tranh được BOMICEN/VVAF thực hiện, huyện Đakrông có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, 97% diện tích đất của huyện bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện, cô Lê Thị Lâm Hoa cho biết khu vực xảy ra tai nạn, thôn Mai Lãnh, được khai hoang từ năm 1982 để tái định cư cho những gia đình dân tộc ít người đã phải tản cư vì chiến tranh. “Một vụ tai nạn năm 1985 đã giết chết 2 người ở khu vực đó”, cô Hoa cho biết. Bố nạn nhân cho biết khu vực này bị ném bom ác liệt trong thời gian chiến tranh, ông nói rằng đã chứng kiến một số lượng bom bi rất lớn được rải xuống mặt đất nhưng không phát nổ do lỗi kỹ thuật.
Kể từ năm 1975, hơn một phần ba trong số 105.000 trường hợp tai nạn bom mìn là do bom chùm gây ra, người dân địa phương thường gọi là “bom bi” hoặc “bom quả ổi”.